Xung quanh vụ cưỡng chế trại gà ở xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội

Trong những ngày Quốc hội họp, thảo luận kinh tế - xã hội; chúng ta vui bởi những thành tựu đã đạt được về phát triển kinh tế - xã hội; nhưng cũng buồn bởi vẫn còn nhiều vấn đề khiến dư luận và người dân bức xúc còn chậm được giải quyết, làm giảm sút niềm tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước.

Trong phiên họp Quốc hội sáng 30/10, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận (Đoàn Đại biểu Quốc hội Cà Mau) đã khẳng khái: "Người dân khó khăn vẫn dành dụm tiền của, thời gian, sức lực lặn lội về Hà Nội để kêu oan, có phải do dưới cơ sở, địa phương yếu kém, có tham nhũng, chia chác". "Nếu không bị chèn ép, uất ức, oan sai mà một số cấp chính quyền, cơ quan tư pháp chưa giải quyết thấu đáo, thậm chí là chưa đúng pháp luật. Tình trạng này dẫn đến mất lòng tin vào các cấp, tạo dư luận không tốt trong cơ quan Nhà nước, từ đó khiếu nại tố cáo đến các cơ quan Trung ương càng nhiều". "Thử hỏi chúng ta là người trong cuộc, chúng ta nghĩ gì?" Rồi ông kiến nghị "Chính phủ đánh giá đúng tình hình và có biện pháp xử lý".

Kỳ 4:Lại một vụ “Đoàn Văn Vươn” ở Hà Nội, xử lý ra sao?

Trở lại vụ cưỡng chế trại gà diễn ra giữa lúc Quốc hội họp cho thấy có nhiều điều mà dư luận cho rằng: Có nhiều điều uẩn khúc, không bình thường cần phải được mổ xẻ, điều tra làm rõ các dấu hiệu vi phạm. Như báo Kinh doanh và Pháp luật đã phản ánh, vào ngày 24 và 25 tháng 10 năm 2019, UBND xã Tiên Phương đã tiến hành cưỡng chế khu trại trại của ông Cường, bà Tâm ở khu Đồng Mông, thôn Quyết Tiến, xã Tiên Phương. Trao đổi với bà Tâm vợ ông Vũ Huy Cường, bà cho biết: “Trước khi cưỡng chế, gia đình chúng tôi đã khẩn thiết đề nghị lực lượng cưỡng chế phải kê biên tài sản trước khi tiến hành cưỡng chế nhưng họ không kê biên tài sản mà sau đó lại ra thông báo đến 03 lần yêu cầu gia đình đến nhận lại tài sản.

Trước khi cưỡng chế, lực lượng tiến hành cưỡng chế đã cắt điện nên gia đình đã cho nổ máy phát điện vì nếu như số lượng khoảng 12.000 con gà để đang nuôi ở trại gà mà bị cắt điện sẽ có nguy cơ chết. Tuy nhiên lực lượng cưỡng chế đã cắt cả điện máy nổ và thu toàn bộ số máy phát điện, tủ tự động, quạt to, quạt nhỏ, giàn làm mát, vắc xin, thức ăn cho gà v.v và hàng nghìn con gà đẻ trong trại mang đi. “Họ đã cố tình hủy hoại tài sản, vật nuôi của chúng tôi, chúng tôi sẽ tiếp tục khiếu nai vì gia đình chúng tôi không thể ngăn cản bằng cách vi phạm khi họ cố tình… Vụ việc nhà chúng tôi không khác gì vụ ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng năm xưa…”. “Liệu những việc làm trên của chính quyền địa phương có vì dân không? Điều mà các Đại biểu Quốc hội đang thảo luận?” - Bà Tâm nói.

Xung quanh vụ cưỡng chế trại gà ở xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội - Ảnh 1
Quyết định số 218/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế cuộc đấu giá đối với đàn gà đẻ trứng của ông Vũ Huy Cường.

 

Theo thông tin của phóng viên thu thập được thì sau khi tiến hành tổ chức cưỡng chế trại gà của gia đình ông Cường, bà Tâm thì UBND xã đã ra 03 thông báo về việc nhân lại tài sản sau cưỡng chế đối với ông Vũ Huy Cường. Nội dung của bản Thông báo số 125/TB-UBND (Thông báo lần thứ 3) do ông Tống Văn Thái – Chủ tịch UBND xã Tiên Phương ký ngày 28/10/2019 có nội dung như sau: “ Ngày 24, 25/10/2019, UBND xã Tiên Phương đã tổ chức cưỡng chế đối với hành vi vi phạm của ông Vũ Huy Cường, tại khu Đồng Mông, thôn Quyết Tiến, xã Tiên Phương theo Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả số 251/QĐ –CCXP ngày 30/10/2017 và Quyết định số 152/QĐ-CCXP ngày 26/7/2019 của Chủ tịch UBND xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Tại buổi cưỡng chế ngày 24,25/10/2019 do ông Vũ Huy Cường và gia đình không có mặt để nhận lại tài sản. Ông Vũ Huy Lương con trai ông Vũ Cường có mặt trong quá trình cưỡng chế đã được vận động cũng không nhận lại tài sản. Do đó UBND xã Tiên Phương di chuyển vận chuyển tài sản không thuộc đối tượng cưỡng chế ra khỏi khu vực cưỡng chế và đã ban hành Thông báo số 122/TB-UBND ngày 25/10/2019, Thông báo số 123/TB-UBND ngày 26/10/2019 để thông báo cho ông Vũ Huy Cường đến nhận tài sản nhưng ông Cường và gia đình không đến nhận lại tài sản. Nay UBND xã tiếp tục thông báo (lần 3) để ông Vũ Huy Cường và gia đình đến trụ sở UBND xã Tiên Phương nhận lại tài sản gồm: một số máy móc, thiết bị, trứng gà và gà đẻ theo Biên bản thống kê tài sản.”.

Tuy nhiên khi trao đỏi với bà Tâm vợ ông Cường thì bà cho biết ông Cường hôm đó đi viện và trước khi UBND xã tiến hành cưỡng chế gia đình bà đã yêu cầu kê biên tài sản ở trang trại gà, và phía UBND xã đã nói là cưỡng chế đến đâu sẽ kê biên đến đó nhưng khi lực lượng tiến hành cưỡng chế thì họ không cho ai vào và cũng không làm thủ tục kê biên mà cứ thế chuyển đi nên gia đình bà không nhận lại tài sản theo thông báo của UBND xã Tiên Phương mà ngay khi UBND xã ra thông báo lần 2 thì bà đã làm đơn khiếu nại nội dung Thông báo số 123/TB-UBND của UBND xã Tiên Phương ký ngày 26/10/2018.

Theo nội dung đơn khiếu nại thông báo lần 2 gửi Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội của bà Tâm có đoạn ghi rõ: “… trong khi sự việc đang trong quá trình được UBND thành phố Hà Nội giao các cơ quan chức năng có thẩm quyền làm rõ thì UBND xã Tiên Phương lại lên kế hoạch cưỡng chế khu chăn nuôi gà … và ngày 24, 25 tháng 10 vừa qua UBND xã Tiên Phương đã tổ chức cưỡng chế mà không hề kê biên tài sản trong khi tôi có yêu cầu kê biên theo quy định và yêu cầu chờ UBND thành phố Hà Nội có kết luận chính thức về việc tố cáo liên quan đến vụ việc…, ngày 24/10/2019 UBND xã vẫn tiến hành phá hủy trang trại gà của gia đình tôi và ra thông báo yêu cầu gia đình tôi nhận lại tài sản đã bị hủy hoại nên tôi buộc phải làm đơn này khiếu nại Kế hoạch 126/KH-UBND do Chủ tịch UBND xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ ký ngày 04/10/2019 và sau đó ra Thông báo số 123/TB-UBND do Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Phương ký ngày 26/10/2019 lên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và đề nghị được giải quyết khiếu nại theo đúng quy định của Luật Khiếu nại…”.

Nội dung khiếu nại trong đơn cũng được bà Tâm nêu rõ Người bị khiếu nại là Ông Tống Văn Thái- Chủ tịch UBND xã Tiên Phương; Bà Tống Thị Minh – Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Phương và UBND xã Tiên Phương. Đối tượng khiếu nại là Kế hoạch 126/KH-UBND do Chủ tịch UBND xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ ký ngày 04/10/2019 và Thông báo số 123/TB-UBND do Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Phương ký ngày 26/10/2019. Nội dung khiếu nại là do Kế hoạch và Thông báo này hoàn toàn không phù hợp, vì ngày 13/11/2018, Sở Nông nghiệp và Nông thôn thành phố Hà Nội đã có Văn bản số 3456/SNN-TTr gửi UBND huyện Chương Mỹ đề nghị: “UBND huyện Chương Mỹ, UBND xã Tiên Phương tạm dừng việc cưỡng chế công trình xây dựng trang trại nuôi gà của bà Tâm cho đến khi có Kết luận giải quyết tố cáo của UBND thành phố Hà Nội”…

Tuy nhiên, vào ngày 24 và 25 tháng 10 năm 2019 UBND xã Tiên Phương đã tiến hành phá hủy trang trại gà của gia đình tôi và ra thông báo yêu cầu gia đình tôi nhận lại tài sản đã bị hủy hoại nên tôi buộc phải làm đơn này khiếu nại và yêu cầu: Hủy Kế hoạch 126/KH-UBND do Chủ tịch UBND xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ ký ngày 04/10/2019 và Thông báo số 123/TB-UBND do Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Phương ký ngày 26/10/2019; Yêu cầu UBND xã Tiên Phương và ông Tống Văn Thái – Chủ tịch, bà Nguyễn Thị Minh – Phó Chủ tịch phải có nghĩa vụ bồi hoàn tài sản trại gà bị thiệt hại bị phá hủy trong quá trình cưỡng chế do sự chỉ đạo của UBND xã Tiên Phương với số tiền gần 5 tỷ đồng; Yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật của thành phố Hà Nội vào cuộc điều tra và xử lý nghiêm hành vi cưỡng đoạt tài sản riêng công dân của lãnh đạo UBND xã Tiên Phương.

Được biết ngày 28/10/2019, UBND xã Tiên Phương đã ra Quyết định số 218/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế cuộc đấu giá đối với đàn gà đẻ trứng của ông Vũ Huy Cường do ông Tống Văn Thái – Chủ tịch UBND xã Tiên Phương ký. Một lần nữa bà Tâm lại cho phóng viên biết là bà tiếp tục khiếu nại quyết định này bởi trong nội dung khiếu nại bà ghi rõ: “Quyết định này hoàn toàn có biểu hiện tẩu tán tài sản riêng công dân khi Chủ tịch UBND xã chỉ đạo cưỡng đoạt tài sản của gia đình chúng tôi…”.

Xung quanh vụ cưỡng chế trại gà ở xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội - Ảnh 2
Bà Tâm cùng người dân xã Tiễn Phương tiếp tục gửi đơn cho cơ quan báo chí đề nghị lên tiếng làm rõ sự việc.

 

Thiết nghĩ: Để tránh tình trạng đơn thư vượt cấp kéo dài và để giải quyết sự việc một cách có tâm, có tầm thì UBND thành phố Hà Nội cần chỉ đạo làm rõ những kiến nghị, khiếu nại của gia đình ông Cường, bà Tâm; rà soát lại toàn bộ quy trình thực hiện công tác dồn điền đổi thửa và quản lý đất đại tại xã Tiên Phương cũng như xem xét lại việc khi UBND thành phố đang tiến hành giải quyết tố cáo mà UBND xã Tiên Phương vẫn tiến hành cưỡng chế để trả lời công dân rõ về việc tổ chức cưỡng chế như vậy có đúng hay không?; kiên quyết xử lý những sai phạm nếu có, bởi vụ việc này không khác gì vụ cưỡng chế ông Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng năm xưa, có chăng vợ chồng ông Cường không dùng hung khí chống lại lực lượng cưỡng chế. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu sự việc và phản ánh khách quan trong những số báo tiếp theo.

 

Hiền Anh – Nguyễn Hân/KD&PL

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục