Công việc may quần áo luôn đòi hỏi những công việc lặp đi lặp lại vốn cần nhiều nhân lực. Một công nhân có thể dễ dàng hiệu chỉnh các đường may tại chỗ, nhưng robot trước đây không thể làm điều này.
SoftWear Automation tạo ra robot hoàn toàn tự động may quần áo với công suất làm việc bằng 17 công nhân bình thường.
Tuy nhiên, theo Quartz, một công ty Mỹ có tên SoftWear Automation đang tạo ra cuộc cách mạng ngành dệt may. Năm 2015, sau nhiều năm nghiên cứu công ty này đã cho ra mắt robot Lowry có khả năng tự cắt vải, may quần áo thành phẩm theo thiết kế có từ trước. Ban đầu robot này chỉ có thể may các sản phẩm đơn giản như khăn tắm, nhưng nay nó đã đủ sức để may được áo thun và quần jean.
SoftWear Automation tuyên bố, Lowry có thể thay thế hoàn toàn một dây chuyền may có 10 công nhân với công suất lên tới 1.142 chiếc áo thun trong 8 giờ, so với mức 669 cái áo thun của dây chuyền 10 công nhân tạo ra. Theo đó, robot may tự động này chỉ cần 1 người điều khiển duy nhất và cho tốc độ tạo ra số áo sơ mi trong 1 giờ tương đương 17 công nhân.
Sản phẩm mới của SoftWear Automation đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà sản xuất quần áo, hàng gia dụng trên thế giới, trong đó có Tianyuan Garments Company, công ty chuyên may gia công cho Adidas và Armani.
Tianyuan Garments đã đầu tư 20 triệu USD để xây dựng một nhà máy may tại Mỹ, sử dụng robot may 100% với công suất may lên tới 1,2 triệu áo thun một năm sẽ được khánh thành vào năm 2018.
Thông thường, sản xuất ở Mỹ sẽ có chi phí đắt hơn so với Trung Quốc, nhất là giá nhân công. Tuy nhiên, CEO Tang Xinhong của Tianyuan Garments nói rằng, trong một dây chuyền tự động hoàn toàn thì chi phí lao động của con người chỉ khoảng 0,33 USD trên mỗi chiếc áo tạo ra. Tại Bangladesh con số này là khoảng 0,22 USD, còn ở Mỹ là 7,47 USD (dây chuyền truyền thống). Như vậy, Tianyuan sẽ giảm chi phí về nhân công ngay tại Mỹ ngang với các thị trường lao động giá rẻ nhất thế giới.
Tuy nhiên, việc gia tăng áp dụng công nghệ tự động hóa, đặc biệt trong ngành may mặc có thể khiến nhiều công nhân tại các nước châu Á mất việc trong vài chục năm tới. Năm ngoái, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính rằng 64% công nhân dệt may ở Indonesia sẽ mất việc trước robot, con số này ở Việt Nam là 86% và 88% ở Campuchia.
Trâm Anh