Xuân Mai Corp nợ 3.343 tỷ, chủ nợ lớn nhất là BIDV chiếm gần nửa

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) hiện đang có quỹ dự phòng rủi ro lên tới khoảng 40.000 tỷ đồng và là chủ nợ lớn nhất của Xuân Mai Corp (UPCoM: XMC) khi ghi nhận khoản nợ gần một nửa trong tổng số nợ 3.343 tỷ đồng của doanh nghiệp này.

Báo cáo Kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất quý 4/2022 của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai (Xuân Mai Corp) cho thấy những con số khá đẹp giữa bối cảnh toàn ngành bất động sản lao đao vì bị siết tín dụng và các vấn đề tiêu cực liên quan đến trái phiếu.

Xuân Mai Corp nợ 3.343 tỷ, chủ nợ lớn nhất là BIDV chiếm gần nửa - Ảnh 1

Xuân Mai Corp có một năm tăng trưởng tốt. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2022 tăng từ 1.613 tỷ đồng lên 1.965 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng từ 66,5 tỷ đồng lên 67 tỷ đồng.

Thế nhưng, nợ nần lớn tại Xuân Mai Corp lại thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Cụ thể:

Tại ngày 31/12/2022, Tổng tài sản của công ty đạt 4.242 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 4.264 tỷ đồng của năm 2021. Trong đó, nợ phải trả giảm rất nhẹ, từ 3.345 tỷ đồng xuống 3.343 tỷ đồng. Nợ phải trả cao gấp 3,7 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 78,8% tổng tài sản.

Trong đó, nợ vay lên tới 1.953 tỷ đồng, cao gấp 2,2 lần vốn chủ sở hữu. Đáng chú ý, đa số các khoản nợ đều là ngắn hạn (vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng từ 1.712 tỷ đồng lên 1.777 tỷ đồng).

Đáng chú ý, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là chủ nợ lớn nhất của Xuân Mai Corp khi ghi nhận khoản vay ngắn hạn 1.221 tỷ đồng, 115 tỷ đồng vay dài hạn đến hạn trả và 176 tỷ đồng vay dài hạn.

Sau giai đoạn tập trung tái cơ cấu, nợ xấu của BIDV đã giảm đáng kể trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng lên. Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN của BIDV kiểm soát ở mức 0,9%.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 245%, mức cao nhất trong các năm gần đây. Hiện quỹ dự phòng rủi ro của BIDV đã lên tới khoảng 40.000 tỷ đồng.

Trong khi phải đi vay nhiều, phải dành khoản chi phí khổng lồ trả lãi vay, Xuân Mai Corp lại không quản lý tốt các khoản phải thu, dẫn đến tình trạng có nguy cơ mất trắng hàng trăm tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2022, Các khoản phải thu ngắn hạn của Xuân Mai Corp lên tới 2.316 tỷ đồng. Thế nhưng, công ty phải dành tới 263 tỷ đồng dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Xuân Mai Sài Gòn (Công ty Xuân Mai Sài Gòn) phải trả Xuân Mai Corp 886 tỷ đồng. Xuân Mai Corp đã phải dành gần 28 tỷ đồng trích lập dự phòng cho khoản phải thu này.

Thậm chí, Xuân Mai Corp cũng có các khoản phải thu khó đòi tại một số công ty liên kết như Công ty Cổ phần Bê tông Xuân Mai Miền Nam với 10,5 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Xuân Mai Đà Nẵng với 21,3 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Sơn An với 4,4 tỷ đồng.

Xuân Mai Corp đã phải trích lập dự phòng 100% các khoản phải thu tại Xuân Mai Miền Nam và Công ty Sơn An. Còn với khoản phải thu trị giá 21,3 tỷ đồng tại Xuân Mai Đà Nẵng, Xuân Mai Corp chi 20,9 tỷ đồng cho dự phòng.

Xuân Mai Corp có tiền thân là Nhà máy bê tông tấm lớn Xuân Mai. Sau nhiều lần tái cấu trúc, năm 2003, công ty được cổ phần hóa và đổi tên thành CTCP Bê tông và xây dựng Vinaconex Xuân Mai.

Xuân Mai từng là thành viên Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – HoSE: VCG), hoạt động trong mảng bê tông, xây lắp. Đến năm 2013, Vinaconex tiến hành thoái toàn bộ 51% vốn tại Xuân Mai Corp cho Công ty TNHH Khải Hưng.

Cơ cấu sở hữu của Xuân Mai vừa trải qua nhiều biến động lớn, khi Khải Hưng đã tiến hành thoái toàn bộ 34,85% vốn điều lệ, tương đương 23,478 triệu cổ phiếu XMC mà mình sở hữu. Trong đó, 10 triệu cổ phiếu được bán cho Chủ tịch HĐQT Bùi Khắc Sơn, giao dịch được thực hiện vào trung tuần tháng 11/2022 và 13,478 triệu cổ phiếu còn lại được bán cho bà Nguyễn Minh Trang, con gái Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Cử, giao dịch được thực hiện từ ngày 29/12/2022 – 5/1/2023.

VD

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục