Ngay sau khi Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) cảnh báo Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng thế giới (WB) cũng lên tiếng hối thúc Fed trì hoãn việc nâng lãi suất cho tới năm 2016. WB cho rằng đà phục hồi không đồng đều của kinh tế Mỹ và những nguy cơ đe dọa các nền kinh tế mới nổi là những lý do khiến Fed không nên nâng lãi suất sớm hơn.
Ngân hàng Thế giới hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Trong báo cáo "Triển vọng Kinh tế toàn cầu" được công bố 2 lần/năm, WB nhận định kinh tế toàn cầu trong năm nay có thể chỉ tăng trưởng ở mức 2,8%, thay vì mức dự báo 3% đưa ra hồi tháng 1.
Nguyên nhân là do tốc độ tăng trưởng của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc giảm, cộng với viễn cảnh không mấy sáng sủa của các nền kinh tế Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Nhật Bản.
Cụ thể, WB hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2015 xuống còn 2,7% so với mức 3,2% đưa ra hồi đầu năm. Kinh tế Nhật Bản và các nền kinh tế mới nổi cũng tăng trưởng thấp hơn dự báo, ở mức lần lượt 1,1% và 4,4%.
Trong khi đó, các chuyên gia WB tăng dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế châu Âu lên mức 1,5% và khu vực Nam Á ở mức 7,1%, trong khi giữ nguyên dự báo về nền kinh tế Trung Quốc ở mức 7,1%.
World Bank dự đoán kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 7,5% trong năm nay, tăng so với 6,4% trong năm 2014. Tuy nhiên, Ngân hàng này lại hạ dự báo tăng trưởng 2015 của các nền kinh tế đang phát triển xuống 4,4% từ 4,8% dự báo hồi tháng 1, chủ yếu do dự đoán suy thoái tại Brazil và Nga.
Theo tổ chức tài chính lớn nhất thế giới này, sang năm 2016, kinh tế toàn cầu dự báo sẽ tăng trưởng khả quan hơn, ở mức khoảng 3,3%.
Cũng theo báo cáo của WB, trong bối cảnh này, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ngày càng đối mặt với nhiều thách thức. Con đường phía trước sẽ "chông gai hơn" khi nền kinh tế Mỹ phục hồi trở lại và Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang xem xét tăng lãi suất cơ bản. Nếu kịch bản này xảy ra, thị trường tài chính toàn cầu sẽ bất ổn hơn và khi đó các nền kinh tế yếu sẽ gánh chịu các hậu quả xấu do khó có thể thu hút đầu tư nước ngoài hơn.
World Bank lưu ý khi quá trình nâng lãi suất của Fed bắt đầu, thách thức chắc chắn sẽ tăng cao, vì thế nên thận trọng với chi phí vay mượn cao hơn tại các thị trường mới nổi cũng như biến động trên các thị trường tài chính.
Theo tính toán của ngân hàng này, nếu lợi suất trái phiếu dài hạn của Mỹ tăng vọt 1% khi Fed nâng lãi suất, tương tự như trong giai đoạn Fed thu hồi các gói QE, dòng vốn đổ vào các thị trường mới nổi có thể sụt giảm từ 18-40%.
Hôm 22/5, Chủ tịch Fed Janet Yellen nói rằng bà vẫn dự báo lãi suất sẽ được tăng lên trong năm 2015 nếu như nền kinh tế diễn biến đúng như ước tính. Các chuyên gia tham gia khảo sát của Bloomberg dự báo bắt đầu từ tháng 9 cho đến cuối năm nay, các nhà hoạch định chính sách sẽ nâng lãi suất tới 2 lần. Trong 2 ngày 16 – 17/6 sắp tới, Fed sẽ có cuộc họp chính sách quan trọng.
Các nhà đầu tư cũng nghiêng nhiều hơn về khả năng Fed sẽ nâng lãi suất trong năm nay sau khi báo cáo được công bố cuối tầun trước cho thấy số việc làm mới được tạo ra trong tháng Năm tăng mạnh hơn dự báo. Các hợp đồng lãi suất tương lai cho thấy có 53% khả năng Fed sẽ nâng lãi suất vào tháng 9.
Phương Anh (TH)