Lại một lần nữa, hàng chục hộ dân ở Tòa nhà 8B Lê Trực (Hà Nội) “đội đơn” kêu cứu khẩn cấp đến các vị Lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước về nỗi oan khuất của mình về thiệt hại tài sản và tổn thất tinh thần hơn 4 năm qua mà họ đang phải chịu đựng.
Dõi theo vụ việc này, nhiều người nhận thấy cứ mỗi lần Quốc hội họp, họ lại một lần gửi đơn cầu mong được giải cứu. Lần này, đơn viết: “Trong 4 năm qua, chúng tôi đã hơn 20 lần gửi đơn kêu cứu, kiến nghị đến các cơ quan chính quyền từ Trung ương đến địa phương giải quyết vụ việc xử lý hành chính công trình 8B Lê Trực để chúng tôi có nhà ở, nhưng vẫn không có kết quả, không biết đến khi nào được vào ở nhà của mình”.
Còn nhớ cách đây 2 năm, sáng 24/10/2017, hàng chục khách hàng mua căn hộ tại cao ốc 8B Lê Trực lại tiếp tục căng băng rôn, khẩu hiệu đề nghị chủ đầu tư và cơ quan chức năng phối hợp giải quyết, bàn giao căn hộ họ đã mua tại đây. Bởi lẽ trước đó, ngày 16/8, nhóm khách hàng này cũng đã bức xúc tập trung căng băng rôn, khẩu hiệu đòi được nhận nhà tại dự án trên.
Bây giờ thì họ không làm thế nữa, chấp nhận bị ủy khuất, nhẫn nại tin vào kỷ cương phép nước mà gửi đơn đi khắp nơi. Bà Nguyễn Thị Hồng Xuân, Trưởng đại diện nhóm cư dân mua nhà tại dự án, cho biết: “Chúng tôi đã gặp đại diện chính quyền ở nhiều cấp và được khuyên rằng, không nên tụ tập căng băng rôn, khẩu hiệu như vậy, vừa mất mỹ quan thành phố, lại vừa ảnh hưởng đến hình ảnh của Thủ đô, thanh danh quốc gia, vì tòa nhà cách xa không bao nhiêu với khu vực Lăng Bác và Tòa nhà Quốc hội. Chúng tôi nhiều người là Đảng viên, là thương binh, cựu chiến binh, là người có học thức nên đã nghe theo lời khuyên ấy và tin vào kỷ cương phép nước. Thế nhưng đến nay, càng hy vọng và chờ đợi thì chúng tôi càng bị bỏ rơi và thiệt hại ngày càng lớn”.
Như Reatimes đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này và phân tích rằng, nếu các nhà chức trách của Hà Nội có tấm lòng “vì dân” và hiểu rằng chính quyền là “của dân, do dân” thì vụ việc của Tòa nhà 8B Lê Trực có thể giải quyết trong “một buổi sáng”.
Về lý, cho đến giờ này, theo các văn bản có giá trị pháp lý hiện tại thì có thể khẳng định, việc xây dựng Tòa nhà 8B Lê Trực là hợp pháp. Chủ đầu tư dự án này là Công ty May Lê Trực có một điểm tựa pháp lý khá vững chắc, đó là dựa vào Quyết định số 2452/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội do Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo ký, “về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết phần kiến trúc hai bên trục đường Cầu Giấy - Kim Mã - Hùng Vương (đoạn từ Đại sứ quán Thụy Điển đến đường Hùng Vương) tỷ lệ 1/500 tại lô đất ký hiệu L30, địa điểm số 8B phố Lê Trực, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội”. Theo đó, chiều cao công trình là 69,1m; 20 tầng (gồm 17 tầng, 2 tầng kỹ thuật, 1 tầng mái).
Theo luật định, đây là văn bản quy phạm pháp luật. Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nêu rõ: “Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật này ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện”.
Có nghĩa là, mọi quy định của văn bản này sẽ “được Nhà nước bảo đảm thực hiện”.
Theo tài liệu chúng tôi có được, cho đến ngày 21/10/2019 này, chưa có văn bản nào có giá trị pháp lý cấp cao hơn bãi bỏ Quyết định số 2452/QĐ-UBND ngày 5/12/2008 của UBND TP. Hà Nội.
Như vậy, một tòa nhà có chiều cao dưới hoặc bằng 69,1m; dưới hoặc bằng 20 tầng (gồm 17 tầng, 2 tầng kỹ thuật, 1 tầng mái) sẽ là hợp pháp.
Đã gần 5 năm trôi qua, sai phạm tại công trình 8B Lê Trực vẫn chưa được xử lý dứt điểm
Vậy mà những uẩn khúc xảy ra suốt bấy nhiêu năm, hoàn toàn ở “phân khúc” văn bản hành chính mà đã đẩy những người dân mua căn hộ trong tòa nhà này lâm vào cảnh khốn khó.
Trong đơn của bà con 8B Lê Trực lần này thể hiện rất rõ: “Chúng tôi, những người dân vô tội, trong đó có nhiều thương bệnh binh đã để một phần xương máu nơi chiến trường, là những gia đình có công với cách mạng, mua nhà một cách hợp pháp lại phải gánh hậu quả không phải do chúng tôi gây ra? Ai sẽ là người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho chúng tôi? Chúng tôi biết hỏi ai nữa? Hỏi ở đâu để biết khi nào mới được về ở nhà của mình”.
Tính ra, thêm lần này nữa là đã qua 9 kỳ họp Quốc hội, người dân ở Tòa nhà 8B Lê Trực đi tìm công lý cho quyền lợi chính đáng của mình.
Thiết nghĩ, vì mục tiêu giữ gìn kỷ cương phép nước trong lĩnh vực quản lý xây dựng đô thị, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, các cấp chính quyền cần sớm có câu trả lời thỏa đáng.
Theo Nguyễn Minh Vân/Reatimes