TCDN - Liên danh Công ty CP Vinaconex 25 - Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) vừa trúng gói thầu giao thông tại Quảng Nam 508,457 tỷ đồng. Vinaconex vừa bị Thanh tra Bộ Xây dựng điểm tên loạt sai phạm; Vinaconex 25 cũng mới bị phạt, truy thu thuế gần 2,9 tỷ đồng.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu Thi công xây lắp Dự án thành phần 1, đoạn Km11+240 - Km26+500 thuộc Dự án Hoàn thiện đường ven biển 129 (Võ Chí Công) với tổng mức đầu tư 2.056,76 tỷ đồng.
Nhà thầu trúng thầu là Liên danh Công ty CP Vinaconex 25 - Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) với giá trúng thầu 508,457 tỷ đồng, giảm 38,9 tỷ đồng so với giá gói thầu; thời gian thực hiện hợp đồng 900 ngày, loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh. Đây cũng là nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ dự thầu.
Trong Liên danh trúng thầu, Công ty CP Vinaconex 25 là doanh nghiệp thành viên của Vinaconex. Nhà thầu này đang trong thời gian thi công Gói thầu Thi công xây dựng hạng mục nền, mặt đường, công trình và san nền thuộc Dự án Khu dân cư - tái định cư đường dẫn vào cầu Kỳ Phú 12 (giai đoạn 3) mở rộng trên địa bàn TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam (giá trúng thầu 46,67 tỷ đồng); Gói thầu số 01 Thi công xây dựng (giai đoạn 1) thuộc Dự án Nhà máy nước giải khát cao cấp Yến Sào Khánh Hòa, giai đoạn 1 (giá trúng thầu 40,83 tỷ đồng).
Liên quan đến sai phạm trong xây dựng, mới đây, Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra nhiều sai phạm tại Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính do Vinaconex làm chủ đầu tư.
Đồng thời, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng đề nghị UBND TP Hà Nội, UBND quận Cầu Giấy theo thẩm quyền tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có vi phạm. UBND TP Hà Nội tiếp tục chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý dứt điểm vi phạm nêu trên theo quy định.
Về kinh doanh, hoạt động cốt lõi là xây lắp nhưng Vinaconex lại đầu tư phần lớn tài sản vào các dự án bất động sản. Nguồn vốn vay rót vào các dự án sẽ là nỗi lo không nhỏ trong bối cảnh lãi suất tăng và thị trường bất động sản gần như đóng băng.
Trong kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022, Vinaconex cho thấy vẫn rất tập trung vào hoạt động cốt lõi là xây lắp. Mảng này chiếm đến 66% trong cơ cấu doanh thu, trong khi mảng bất động sản chỉ chiếm 8% và hoạt động đầu tư đóng góp 26% còn lại. Tuy nhiên, nếu xét kĩ, kết quả này cũng bộc lộ không ít vấn đề về tính bền vững.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, số nợ vay của Vinaconex là hơn 14.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều số vốn chủ sở hữu là gần 10.000 tỷ đồng. Trong đó, Vinaconex tài trợ phần lớn nguồn vốn này cho hoạt động bất động sản, dù tỉ trọng đóng góp vào doanh thu của mảng này khá nhỏ.
Vinaconex phải trả lãi vay nhiều đồng nghĩa công ty vay nợ khá lớn. Với trăm tỷ đồng lãi vay mỗi năm, không chỉ đối mặt với chuyện lợi nhuận bị ăn mòn, Vinaconex còn gặp phải rủi ro thanh khoản không nhỏ.
Tính đến ngày 30/9/2022, khoản tài sản dở dang dài hạn của công ty này có giá trị đến 7.000 tỷ đồng. Trong số hơn 10 dự án đang triển khai, có ít nhất 6 dự án bất động sản.
Trong bối cảnh lãi suất tăng cao và thị trường bất động sản khó khăn như hiện nay, việc tài trợ phần lớn nguồn vốn vay cho các dự án bất động sản gây ra nhiều khó khăn cho Vinaconex.
Trong năm 2021, công ty này phải trả 500 tỷ đồng lãi vay. Riêng 9 tháng đầu năm 2022, Vinaconex phải trả hơn 560 tỷ đồng lãi vay. Điều này cho thấy, áp lực lãi vay tăng cao là có thực.
Về Vinaconex 25, vào tháng 7/2022, Cục thuế Tp.Đà Nẵng đã xử phạt vi phạm hành chính về thuế với doanh nghiệp này là gần 2,9 tỷ đồng với nhiều vi phạm.