Xung quanh xôn xao về việc nước Hà Nội có mùi lạ và những giải thích bất ngờ của phía Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Công ty Viwasupco), ngày 15/10, trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Hoàng Tiến (Văn phòng luật sư Đức Thịnh, Hà Nội) cho rằng, trong việc này, trách nhiệm của phía Công ty Viwasupco rất lớn nhưng trước hết cần phải tìm cho ra người đã đổ trộm dầu thải.
Dầu thải nhuốm đen nguồn nước đầu nguồn sông Đà. Ảnh: Zing.vn
"Phải làm rõ được hành vi của người đổ trộm dầu đó để xem họ có mục đích gì, đó là hành động vô tình hay cố tình. Đây là đối tượng cần được quan tâm đầu tiên.
Ngoài đối tượng này thì cần xem xét đến trách nhiệm của phía Công ty Viwasupco về việc phát hiện có dầu lẫn trong nước mà vẫn cung cấp nước cho người dân sử dụng bình thường, không có biện pháp ngăn chặn ngay.
Dầu lẫn trong nước có thể không gây ra chết người ngay nhưng về lâu dài thì vẫn làm ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Bởi vậy, phía Công ty Viwasupco phải có trách nhiệm bồi thường cho khách hàng về việc vi phạm nguyên tắc sản xuất nước sạch.
Công ty nước sạch mà cung cấp nước không sạch cho người dân như vậy là hành vi lừa dối khách hàng và thiếu trách nhiệm", luật sư Tiến nói.
Theo luật sư Tiến, phía khách hàng có quyền gửi đơn kiện đến cơ quan chức năng để yêu cầu phía Công ty Viwasupco bồi thường vì khách hàng là những người bỏ tiền ra để mua nước sạch nhưng thực tế không được cung cấp nước sạch.
"Việc bồi thường ở đây phải xem xét đến số ngày Công ty Viwasupco cung cấp nước không sạch, bồi thường về sức khỏe cho người dân", luật sư Tiến cho biết thêm.
Trong khi đó, cũng đưa ra quan điểm về việc này, luật sư Đỗ Hải Bình (thuộc đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, trong vụ việc này có yếu tố phá hoại, lỗi khách quan chứ không phải chủ quan của phía Công ty Viwasupco.
"Việc này cần căn cứ vào kết luận của cơ quan điều tra để xem nước nhiễm dầu cấp cho người dân sử dụng mấy ngày qua có mức độ ảnh hưởng như nào.
Căn cứ vào mức độ ảnh hưởng đó để xem xét trách nhiệm của Công ty Viwasupco và đặc biệt phía đối tượng đổ trộm dầu thải đó", luật sư Bình cho biết thêm.
Trong một diễn biến mới liên quan đến sự việc, tại cuộc họp báo thường kỳ của Ban Tuyên giao Thành ủy Hà Nội chiều 15/10, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Công ty Viwasupco cho rằng, việc không báo cáo Hà Nội là do hôm xảy ra sự việc ông đang ở Hòa Bình, sự việc cũng xảy ra tại đầu nguồn khu vực nhà máy ở Hòa Bình nên ông chỉ báo cáo cơ quan chức năng ở đây.
Ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà Viwasupco - tại họp báo - Ảnh: TTO
"Công ty đã gọi điện cho cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình ngay trong ngày phát hiện váng dầu nhưng đến sáng hôm sau họ mới xuống", ông Tốn nói.
Về việc văn bản báo cáo ngày 10/10 trong khi công ty phát hiện sự việc ngày 9/10, ông Tốn nói do "toàn bộ nhân viên, kể cả văn thư và công nhân nhà máy đều lo vớt dầu nên sáng hôm sau chúng tôi mới có thể báo cáo sự việc".
Cũng theo ông Tốn chia sẻ, lúc biết sự việc, trong thâm tâm ông là muốn dừng việc cấp nước lại nhưng do đã tham khảo ý kiến chuyên gia nên ông lại quyết định cấp nước.
"Chia sẻ thật, lúc đó thâm tâm của tôi là 80% cho dừng cấp nước vì nghĩ nước có vấn đề, nước đó nhà tôi vẫn dùng. Nhưng tại sao vẫn cấp nước, vì ngày 10/10 phòng thí nghiệm xét nghiệm chỉ tiêu A và xác định không có vấn đề gì. Tôi cũng tham khảo một số chuyên gia, lúc đó họ phản biện 'cắt nước thì lý do gì', 'bảo ô nhiễm thì chứng cứ đâu?'. Công ty chúng tôi cũng là nạn nhân", ông Tốn phân trần.
Cũng theo ông Tốn, Công ty không đặt lợi nhuận lên trên bởi trong 10 năm phục vụ người dân thủ đô, Công ty đặt mục tiêu phục vụ người dân lên trên hết. Trước sự việc này công ty có lỗi.
"Bản thân tôi cũng là tổng giám đốc làm thuê thôi. Dừng cấp nước thì tôi quá an toàn, quá hay, tôi chỉ có một cái tâm duy nhất là vì người dân, phục vụ người dân”, ông Tốn giãi bày.
Kết luận họp báo, ông Trần Xuân Hà - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội cho biết, trong vụ việc này, người chịu thiệt hại là TP Hà Nội, người dân thành phố.
“TP Hà Nội đã làm đầy đủ trách nhiệm rồi, còn đề nghị nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan như đơn vị cấp nước”, ông Hà nói.
Theo Báo Đất Việt