VPBank đang “đổ lỗi” cho khách hàng?

(Kinhdoanhnet) – Trong vụ việc VPBank thực hiện “xiết nợ” tài sản đảm bảo là căn hộ của anh Nguyễn Sỹ Minh, phía VPBank cho rằng anh Minh đã “bẫy” họ trong việc cử người giúp việc “cố thủ” ở trong nhà và vu khống cho cán bộ của VPBank chiếm giữ trái phép nhà ở, giam giữ người trái pháp luật.

Như Báo Kinh Doanh & Pháp Luật đã đưa tin, vào ngày 17/03/2015 tại tòa nhà 17T2 trên phố Hoàng Đạo Thúy phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, nhân viên Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) đã thực hiện niêm phong tài sản thế chấp là căn phòng số 1401 của khách hàng là anh Nguyễn Sỹ Minh.

VPBank thực hiện "xiết nợ" nhà dân có đúng quy định pháp luật?

Tại thời điểm thu giữ, anh Nguyễn Sỹ Minh không có ở nhà, cửa khóa. Sau nhiều lần gõ cửa và thông báo bên trong căn hộ của ông Minh nhưng không có tiếng trả lời, nên đại diện VPBank đã thực hiện việc niêm phong tài sản bảo đảm bên ngoài, với sự chứng kiến của  đại diện các bên có mặt tại đó.

Theo anh Minh ngân hàng VPBank đã thực hiện thu giữ tài sản mà không hề có thông báo trước.

“Em không thấy ngân hàng thông báo gì, lúc 4h chiều nay về nhà thì họ không cho gia đình em vào. Trong nhà em còn chị giúp việc, họ nhốt trong đó từ sáng” - anh Minh cho biết.

Tuy nhiên, liên quan tới vấn đề này, ông Hoàng Anh Tuấn – Tổng Giám đốc công ty quản lý tài sản Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank AMC), đơn vị trực tiếp xử lý thu hồi khoản nợ xấu của khách hàng là anh Nguyễn Sỹ Minh cho biết VPBank đã quyết định niêm phong tài sản thế chấp của anh Nguyễn Sỹ Minh sau thời gian gần 3 năm khách hàng không thực hiện nghĩa vụ trả nợ dù VPBank nhiều lần giãn, giảm nợ cho khách. Trước khi đến niêm phong, VPBank cũng đã nhiều lần thông báo cho khách hàng.

“Trước khi thu giữ tài sản, chúng tôi đã có văn bản thông báo đầy đủ tới chủ tài sản là ông Minh, bà Thoa, Tổ dân phố, Công an Phường Trung Hòa, Ủy ban nhân dân phường Trung Hòa theo đúng quy định của Pháp luật.” – ông Hoàng Anh Tuấn cho hay.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là mặc dù VPBank đã có nhiều thông báo đến khách hàng nhưng liệu rằng nhân viên ngân hàng có được quyền tới niêm phong tài sản mà chưa được sự đồng ý của khách hàng hay không?

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Luật sư Hoàng Văn Hướng –Trưởng văn phòng Luật sư Hoàng Hưng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết việc nhân viên ngân hàng VPBank đi thu nợ theo kiểu “xiết nợ” nhà ở của khách hàng là một hành vi vi phạm pháp luật.

Luật sư Hoàng Văn Hướng –Trưởng văn phòng Luật sư Hoàng Hưng.
Luật sư Hoàng Văn Hướng –Trưởng văn phòng Luật sư Hoàng Hưng.

Cụ thể ông Hướng cho biết: “ Tranh chấp giữa VPBank và anh Nguyễn Sỹ Minh là tranh chấp về mặt kinh tế, nếu ngân hàng không thu được nợ thì phải thực hiện theo một quy trình về xử lý nợ, xử lý tài sản. Thêm vào đó tài sản đảm bảo của anh Minh lại thuộc dạng bất động sản muốn thực hiện bán tài sản cần phải theo quy trình kiện ra tòa bằng bản án quy định pháp luật. Việc ngân hàng cho người đến “cướp nhà” là hành vi vi phạm pháp luật về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân đã được quy định trong Hiến pháp và Bộ luật hình sự.”

Là khách hàng đã "bẫy" VPBank?

Trong quá trình niêm phong căn hộ 1401, bên trong căn hộ này vẫn có người giúp việc của gia đình anh Minh là chị Nguyễn Thị Phú. Liên quan tới việc này đại diện ngân hàng VPBank, bà Hoàng Thị Lan Anh – Trưởng nhóm truyền thông đối ngoại VPBank lại lên tiếng đổ lỗi cho khách hàng đã giăng bẫy họ.

“VPBank xin khẳng định đã làm đúng phận sự và trách nhiệm của mình, trong khi khách hàng đã “bẫy” VPBank trong việc cử người “cố thủ” ở trong nhà và vu khống VPBank giam giữ người, khoá cửa.” – Bà Lan Anh cho biết.

Là một ngân hàng thương mại cổ phần lớn trong hệ thống các ngân hàng thương mại tại Việt Nam, việc VPBank lên tiếng đổ lỗi hoàn toàn cho khách hàng như vậy liệu rằng có hợp lý?

Trước đó ngân hàng này cũng đã từng “nổi danh” trong vụ đòi nợ theo kiểu “chợ đen”. Cụ thể do hoàn cảnh gia đình gặp nạn hỏa hoạn nghiêm trọng vào ngày 26/7/2013 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản nên bà Mai Thị Anh, (Quảng Ninh) đã gửi đơn đến ngân hàng VPBank để xin gia hạn nợ trong vòng 1 năm.  Mặc dù bà Anh đã 2 lần gửi đơn xin gia hạn nợ, nhưng thay vì nhận được văn bản trả lời thì bà Anh lại chỉ nhận được rất nhiều cuộc điện thoại từ số lạ xưng là cán bộ ngân hàng đe dọa ép buộc bà phải bán tài sản trả nợ.

Là một ngân hàng lớn nhưng lại có những hành động như trên hình ảnh của VPBank đang ngày một xấu dần đi trong mắt dư luận, niềm tin của khách hàng đối với VPBank cũng đang bị giảm sút nặng nề.

Ngọc Anh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục