Cụ thể anh Nguyễn Trọng T (Hà Nội) có ký kết hợp đồng tín dụng với bà Lê Thị Hòa - phó giám đốc phòng giao dịchchi nhánh Thăng Long. Theo hợp đồng anh T được ngân hàng VPBank cho vay số tiền là 110 triệu đồng với thời hạn vay là 4 năm. Điều đặc biệt ở đây anh T phải vay số tiền này với lãi suất lên đến 27%/1 năm.
Như vậy nếu tính ra mỗi năm anh T sẽ phải trả khoản lãi cho ngân hàng VPBank lên tới 40,7 triệu đồng. Đây là một số tiền không hề nhỏ. Anh T cho biết do anh quá cần tiền nên mới phải vay của VPBank với lãi suất như vậy.
Nếu chiếu theo Thông tư 08/2014 và Quyết định số 2174 do Ngân hàng Nhà nước ban hành thì đối với hợp đồng trung hạn như trên thường là áp dụng lãi suất điều chỉnh trong khi VPBank lại áp dụng mức lãi suất “kinh hoàng” 27%/năm cho anh T và không cố định trong suốt thời hạn của khoản vay.
Không chỉ áp dụng mức lãi suất cao cho hợp đồng tín dụng này, anh T cho biết mặc dù ký hợp đồng vay số tiền 110 triệu đồng nhưng khi giải ngân anh chỉ nhận được 105 triệu đồng. Khi thắc mắc anh được nhân viên ngân hàng trả lời số tiền 5 triệu còn lại của anh được ngân hàng giữ lại làm “phí rủi ro”.
Có cùng cảnh ngộ với anh T, ông Nguyễn Văn T. trú tại xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội cũng tiến hành ký kết hợp đồng tín dụng vay 50 triệu đồng tại một đơn vị thành viên của VPBank là Công ty tài chính VPBank với lãi suất lên tới 35%/1 năm.
Hợp đồng tín dụng với mức lãi suất lên tới 35%/năm.
Với tổng số tiền vay là 50 triệu đồng với thời hạn hợp đồng vay là 36 tháng, theo đó hàng tháng ông T sẽ phải thanh toán số tiền cả gốc và lãi sẽ là 2.262.000 VNĐ/ tháng.
“Do gia đình đang gặp phải lúc cấp bách về tài chính nên khi được phía tư vấn vay nói ký để làm hợp đồng, tôi cũng không để ý. Nếu biết là vay ngân hàng mà cao như vậy tôi thà vay ngoài còn hơn. Vay với lãi suất như cao như này có khác gì tín dụng đen đâu”. – ông T bức xúc nói.
Không chỉ vậy, mặc dù ký hợp đồng vay 50 triệu đồng, tuy nhiên thực tế ông T lại chỉ nhận được số tiền 40 triệu đồng. Khi thắc mắc về số tiền nhận được không đúng với hợp đồng đã ký, ông T tiếp tục nhận được câu trả lời giống như trường hợp của anh T, số tiền 10 triệu đồng còn lại của ông được tính vào “phí rủi ro”.
Hoàng Anh (TH theo NĐT; ĐSPL)