Trước thông tin về việc cho khách hàng vay tín chấp với mức lãi suất lên tới 27%/năm và 35%/năm, đại diện ngân hàng VPBank đã lên tiếng phản hồi.
Cụ thể đại diện ngân hàng này cho biết đối với các hợp đồng tín dụng nói trên ngân hàng đã thực hiện theo đúng thủ tục và quy trình cho vay. Hợp đồng duyệt mức tín dụng 110 triệu đồng, lãi suất 27%/năm dựa trên các điều kiện bao gồm khách hàng không có tài sản thế chấp, mức thu nhập theo tháng là 10,94 triệu đồng.
“Mức lãi suất và hạn mức tín dụng này đã được tư vấn chi tiết và được sự chấp thuận của khách hàng. Cụ thể, khách hàng đã ký hợp đồng tín dụng, giấy đề nghị vay vốn kiêm giấy yêu cầu bảo hiểm trong điều kiện tâm lý hoàn toàn bình thường, không quẫn bách, không bị ép buộc” - đại diện VPBank khẳng định.
Về khoản tiền giải ngân, VPBank cho biết phần tiền còn lại ngân hàng đã trích lại để nộp tiền bảo hiểm.
“Việc đóng phí bảo hiểm khoản vay là theo quy định của Ngân hàng Nhà nước đối với các hợp đồng vay tín chấp, khách hàng đã được tư vấn về việc này ngay từ trước khi ký hợp đồng vay và đã tự điền thông tin trong “giấy đề nghị vay vốn kiêm giấy yêu cầu bảo hiểm” - đại diện VPBank khẳng định.
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng với mức lãi suất 27%/năm mà VPBank áp dụng cho khách hàng là có thể “chấp nhận được” bởi lãi suất cho vay tiêu dùng thường cao hơn nhiều lần so với mức lãi suất dành cho doanh nghiệp. Tuy nhiên với mức lãi suất vay tiêu dùng lên tới 35%/năm thì là “quá cao”. Theo ông Hiếu mức lãi suất cho vay tiêu dùng có thể chấp nhận được khi cho vay tiêu dùng được khuyến nghị là từ 20-30%.
VPBank cho vay với lãi suất 35%/năm là quá cao.
Cũng theo ông Hiếu việc VPBank áp dụng mức lãi suất cao như vậy đã vi phạm nghiêm trọng Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do NHNN công bố đối với loại cho vay tương ứng”.
Còn về tình trạng khách hàng không nhận được đủ số tiền như trong hợp đồng, khi thắc mắc thì nhân viên ngân hàng cho biết khoản tiền đó được trừ vào “phí rủi ro”, chuyên gia Hiếu thẳng thắn nhận định, việc làm này của VPBank là “không chấp nhận được”.
“Chi phí rủi ro đã tính vào lãi suất rồi nên mới cao như vậy. Chênh lệch huy động và cho vay cao như thế để bù trừ rủi ro rồi đó thôi nên bớt thêm tiền của khách hàng thế này không hợp lý”- ông Hiếu quyết liệt lên án.
Ngọc Anh ( TH theo KTĐT; VietQ)