Sáng 17/4, cả hai ngân hàng MHB và BIDV đều tổ chức Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên tại TP. Hồ Chí Minh. Sở dĩ ĐHCĐ của 2 nhà băng này nhận được sự chú ý của dư luận, là bởi “kịch bản” cuộc kết hôn giữa MHB và BIDV sẽ được lãnh đạo ngân hàng trình bày chi tiết trước đông đảo cổ đông để xin ý kiến.
Mối “lương duyên” giữa BIDV và MHB đến cách đây hơn 1 năm với sự “mai mối” của “bà đỡ” Ngân hàng Nhà nước. Trong tài liệu gửi tới cổ đông trước ĐHCĐ, ngân hàng MHB cho biết, từ quý 4/2014 hai ngân hàng đã “ngồi lại” với nhau để cùng bàn bạc về quá trình sáp nhập.
Cả MHB và BIDV đều là những NHTMCP Nhà nước, với tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại cả 2 ngân hàng lên tới 90%. Tuy nhiên, MHB lại là ngân hàng được đánh giá là ngân hàng nhỏ và yếu hơn nhiều so với BIDV.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh của MHB, đến 31/12/2014, tổng tài sản đạt 45.313 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2013; nguồn vốn huy động trên 37.000 tỷ đồng. Tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2014 của MHB đạt 30.605 tỷ đồng, tương đương 13,8% so với năm 2013. Tỷ lệ nợ xấu tới 31/12/2014 là 2,72% và tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt gần 17%. Năm 2014 lợi nhuận trước thuế đạt 162 tỷ đồng.
Trong khi đó, năm 2014 là một năm kinh doanh “thắng lợi” của BIDV khi ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế tới 6.065 tỷ đồng, tăng 20%. Tổng tài sản của BIDV tại thời điểm 31/12/2014 đạt trên 655.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18%. Dư nợ tín dụng đạt trên 461.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18,9%. Đặc biệt nợ xấu của nhà băng này rất thấp, chỉ 1,8%... BIDV cũng vừa công bố báo cáo về tình hình kinh doanh quý I/2015, với lợi nhuận trước thuế đạt 1.835 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước; tăng trưởng tín dụng đạt 4,34%...
Như vậy, nếu “so găng” về tiềm lực tài chính thì hiên vốn điều lệ của BIDV lớn hơn MHB gấp 9 lần, còn tổng tài sản cũng gấp 15 lần. Xét về huy động vốn, tăng trưởng tín dụng … MHB cũng kém xa so với “anh cả” BIDV. Chỉ tính riêng lợi nhuận năm 2014, thì mức lãi mà BIDV đạt được cũng gấp hơn 37 lần con số của MHB.
So về tiềm lực tài chính, nguồn vốn.... thì MHB đều "thua xa" BIDV
Dù vậy, tiết lộ về bản “hợp đồng sáp nhập” đã được 2 ngân hàng thương thảo, trước thềm ĐHCĐ diễn ra vào sáng nay (17/4), ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch HĐQT BIDV tiết lộ, MHB sẽ sáp nhập vào BIDV theo nguyên tắc bàn giao nguyên trạng, sang ngang. Đặc biệt, tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu giữa hai ngân hàng sẽ là 1:1.
Lý giải về tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu, cũng như chuyện BIDV chấp nhận mối “tơ duyên” này, ông Trần Bắc Hà đưa ra 3 nguyên do. Trước tiên, tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại 2 ngân hàng này đều chiếm trên 90%, bản chất là sự chuyển dịch vốn Nhà nước từ ngân hàng này sang ngân hàng kia, cũng cùng một “ông chủ” Nhà nước. Thứ hai, cuộc kết hôn này sẽ chỉ giúp giá trị cổ phiếu của BIDV tốt hơn lên. Nguyên do thứ 3 được vị Chủ tịch BIDV nhắc tới, là dù MHB chưa chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, nhưng trên sàn OTC, cổ phiếu của nhà băng này đang gây được sự chú ý của các nhà đầu tư và “đang có giá tốt”.
“Hai ngân hàng sáp nhập với nhau, mục tiêu cao nhất là không làm ảnh hưởng tới lợi ích của cổ đông”- ông Hà nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, thế mạnh lâu nay của BIDV là phát triển dịch vụ tài chính tại các thành phố lớn, khu công nghiệp, nhưng chiến lược sắp tới ngân hàng sẽ tập trung đẩy mạnh tín dụng vào khu vực nông thôn, đồng bằng sông Cửu Long, mà đây lại là “lãnh địa” của MHB. Vì thế, việc “ôm” về MHB, với hệ thống mạng lưới 44 chi nhánh, phòng giao dịch, sẽ giúp BIDV “vươn tới” thị trường đầy tiềm năng là nông thôn và đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, MHB là ngân hàng chuyên về bán lẻ, điều này sẽ tạo ra giá trị cộng hưởng cho BIDV, vốn chuyên cho vay những món lớn.
Đáng chú ý, BIDV “ôm” về MHB trong bối cảnh ngân hàng này cũng đang xúc tiến tìm kiếm đối tác ngoại để bán bớt vốn. Song, ông Hà khẳng định, việc sáp nhập sẽ không ảnh hưởng tới chất lượng tài sản của BIDV.
Nếu được cổ đông chấp thuận tại ĐHCĐ, đồng nghĩa thương hiệu MHB tới đây sẽ biến mất khỏi thị trường. Cùng với đó, số NHTM Nhà nước cũng sẽ được rút gọn từ 5 ngân hàng về còn 4.
Theo Infonet