Ngày 21/7/2022, UBCKNN đã ban hành Quyết định số 211/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Tổng công ty Lương thực miền Nam – Công ty cổ phần (Địa chỉ trụ sở chính: 333 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), cụ thể:
Phạt tiền: 85.000.000 đồng (Tám mươi lăm triệu đồng) vì không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.
Theo đó, Tổng công ty Lương thực miền Nam-Công ty cổ phần không công bố thông tin (CBTT) trên hệ thống CBTT của UBCKNN và trên trang thông tin điện tử của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) các tài liệu sau: Báo cáo tình hình quản trị công ty bán niên năm 2021, Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý 1,2,3 năm 2020; CBTT không đúng thời hạn theo quy định pháp luật trên hệ thống CBTT của UBCKNN và trên trang thông tin điện tử của HNX các tài liệu sau: BCTC năm 2021 đã được kiểm toán, BCTC riêng quý 1, quý 2 năm 2021, BCTC hợp nhất quý 1, quý 2 năm 2021, Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2020, BCTC riêng và hợp nhất bán niên năm 2020 đã soát xét, Báo cáo thường niên năm 2020, Thông báo thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp năm 2020, BCTC riêng quý 1, quý 3, quý 4 năm 2020, BCTC hợp nhất quý 4 năm 2020, Báo cáo thường niên năm 2019; Không CBTT trên hệ thống CBTT của UBCKNN và CBTT không đúng thời hạn trên trang thông tin điện tử của HNX các tài liệu: BCTC hợp nhất bán niên năm 2021 đã soát xét, Giấy ủy quyền thực hiện CBTT số 116/CV-HĐQT ngày 25/11/2020; CBTT không đúng thời hạn trên hệ thống CBTT của UBCKNN và không CBTT trên trang thông tin điện tử của HNX các tài liệu: BCTC riêng và hợp nhất năm 2019, BCTC riêng bán niên năm 2021 đã soát xét.
Về tình hình kinh doanh, Vinafood 2 lần đầu thoát lỗ sau 9 quý, lợi nhuận quý I/2022 gấp 48 lần mục tiêu cả năm. Mặc dù lãi trở lại nhờ giá gạo xuất khẩu tăng song gánh nặng nợ nần của công ty lại gia tăng và khoản lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ đồng vẫn nằm im.
Tại thời điểm cuối tháng 3/2022, tổng tài sản của công ty là 7.966 tỷ đồng, tăng 22%, chủ yếu do hàng tồn kho tăng 119% (tăng hơn 1.500 tỷ đồng).
Tuy nhiên, nợ phải trả của công ty cũng tăng mạnh, đặc biệt là nợ vay ngắn hạn. Cụ thể, nợ phải trả của công ty tăng 1.429 tỷ đồng (tăng 35%). Trong đó, riêng nợ ngắn hạn và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 3.134 tỷ đồng, tăng 65%.
Mặc dù lợi nhuận cải thiện song tính đến hết quý I/2022, công ty vẫn lỗ lũy kế hợp nhất là 2.800 tỷ đồng. Khoản lỗ lũy kế của công ty mẹ cuối năm 2021 là 2.651 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu bị ăn mòn. Sau cổ phần hóa, công ty phải trích lập dự phòng cho các tồn tại giai đoạn trước 1.769 tỷ đồng, ngoài ra còn 1.332 tỷ đồng nợ phải thu khói đòi giai đoạn trước.
Lỗ lũy kế lớn khiến công ty tường xuyên rơi vào tình trạng thiếu vốn để thực hiện các kế hoạch sản xuất kinh doanh, hoàn toàn phụ thuộc vào tín dụng trong khi các ngân hàng thận trọng cấp vốn, thậm chí có ngân hàng từ chối cho vay. Số ngân hàng còn lại thì chỉ cho vay ngắn hạn, bắt phải chứng minh có hợp đồng xuất khẩu mới giải ngân và mức độ giải ngân hạn chế, việc tái cấp lại hạn mức tín dụng chưa đáp ứng được nhu cầu của công ty.