Vinaconex dồn dập mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn

Vinaconex vừa chi thêm 500 tỷ đồng mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn. Tính rộng ra trong 8 tháng đầu năm 2023, VCG có 14 lần thực hiện điều này với tổng giá trị theo mệnh giá 1.900 tỷ đồng.

Theo tạp chí Mekong Asean, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ngày 21/8 công bố kết quả các giao dịch mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán: VCG).

Cụ thể, vào ngày 14/8, Vinaconex đã mua lại toàn bộ 140 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của mã VCGH2126007, 220 tỷ đồng của mã VCGH2127008 và 140 tỷ đồng trong số 220 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của mã VCGH2127009. Tổng số trái phiếu được mua lại theo mệnh giá là 500 tỷ đồng.

Cả 3 lô trái phiếu nói trên đều được phát hành vào ngày 15/6/2021, có thời hạn từ 66 - 78 tháng. Các lô trái phiếu được Vinaconex phát hành để tham gia hợp tác đầu tư cùng CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (VCR) phát triển dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá Cát Bà (Cát Bà Amatina). Các tài sản liên quan tới dự án này cũng được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho các đợt phát hành. Mỗi lô trái phiếu đều được mua trọn bởi 1 tổ chức tín dụng dưới sự thu xếp của CTCP Chứng khoán Tiên Phong và Ngân hàng TMCP Tiên Phong.

Phối cảnh quy hoạch tổng thể dự án Cát Bà Amatina. Ảnh: Vinaconex - ITC  
Phối cảnh quy hoạch tổng thể dự án Cát Bà Amatina. Ảnh: Vinaconex - ITC  

Số liệu từ báo cáo tài chính quý II/2023 của Công ty cho thấy chi phí tại dự án Cát Bà Amatina đã tăng 8% lên gần 5.095 tỷ đồng. Đây là cũng là dự án có chi phí xây dựng lớn nhất của Vinaconex tại thời điểm cuối quý II và được Vinaconex xác định là dự án trọng điểm.

Dự án có quy mô vốn đầu tư 10.942 tỷ đồng, với tổng diện tích 172 ha, nằm tại TP Hải Phòng. Tính đến tháng 4, dự án đã xây dựng xong 99 lô biệt thự khu A1 để bàn giao cho khách hàng trong năm 2022 và 2023 và xây thô 51 căn khu A3, A4.

Vinaconex liên tục mua lại trái phiếu trước hạn trong thời gian gần đây. Cụ thể, tính từ đầu tháng 8 đến nay, VCG có tới 7 lần mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị 900 tỷ đồng. Tính rộng ra trong 8 tháng đầu năm 2023, VCG có 14 lần thực hiện điều này với tổng giá trị theo mệnh giá 1.900 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh, quý II/2023, Vinaconex ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.567 tỷ đồng, tăng hơn gấp 2 lần so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp giảm từ 14,3% tại cùng kỳ xuống còn 9,4% ở quý này; doanh thu tài chính sụt giảm khoảng 28% so với cùng kỳ; cùng với việc ghi nhận khoản lỗ từ các công ty liên doanh, liên kết trong kỳ này khiến Vinaconex báo lãi sau thuế giảm xuống còn 130 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của công ty đạt 6.531 tỷ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ và lãi sau thuế đạt 139 tỷ đồng, giảm 81%.

Đáng chú ý, trong cơ cấu doanh thu thuần 6 tháng đầu năm nay, công ty có thêm doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản hơn 1.659 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp gần 29%.

Năm 2023, VCG đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 16.340 tỷ đồng, tăng 70% so với thực hiện năm 2022 và lãi sau thuế 860 tỷ đồng, giảm 8%. Như vậy, với kết quả trên, nửa đầu năm nay, VCG mới thực hiện được 42% chỉ tiêu tổng doanh thu và 16% chỉ tiêu lãi sau thuế, theo tạp chí Nhịp sống thị trường.

 

Vân Anh (T/h)

Đời sống & Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục