Theo báo cáo tài chính hợp nhất của VGC, quý II/2023, doanh thu thuần đạt 3.928 tỷ đồng, giảm 8% và lợi nhuận gộp đạt 1.219 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý, hoạt động tài chính âm 70 tỷ đồng khi doanh thu chỉ 22 tỷ đồng trong khi chi phí tới 92 tỷ đồng (tăng 33%). Ngoài ra, VGC cũng chịu khoản lỗ 9 tỷ đồng trong công ty liên kết, liên doanh.
Dù đã tiết giảm được chi phí bán hàng (226 tỷ đồng, giảm 5%) và chi phí quản lý (122 tỷ đồng, giảm 40%), nhưng chừng đó là không đủ để cứu vãn lợi nhuận. Kết quý II/2023, VGC có lãi trước thuế 804 tỷ đồng, giảm 4,6% và có lãi sau thuế 625 tỷ đồng, giảm 9,4% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của VGC đạt 6.702 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ. Cơ cấu doanh thu cho thấy sự sụp đổ của mảng bất động sản khi chỉ đạt 55 tỷ đồng, giảm 94%. Trong khi đó, các mảng chủ lực khác cũng trong tình trạng suy giảm mạnh như: doanh thu sản phẩm kính, gương chỉ 964 tỷ đồng, giảm 36%; doanh thu sản phẩm sứ, sen vòi và phụ kiện 403 tỷ đồng, giảm 23%; doanh thu gạch ngói 622 tỷ đồng, giảm 28%; doanh thu hợp đồng xây dựng 7 tỷ đồng, giảm 90%. Chỉ có 2 mảng có doanh thu tăng trưởng là mảng cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng (2.708 tỷ đồng, tăng 15%) và gạch ốp lát (1.556 tỷ đồng, tăng 2,6%).
Với doanh thu suy giảm, lợi nhuận gộp 6 tháng cũng giảm 30%, đạt 1.885 tỷ đồng.
Điểm nổi bật trong việc kinh doah 6 tháng vẫn là sự gia tăng của chi phí tài chính, tăng 18%, đạt 193 tỷ đồng. Điều này cộng với khoản lỗ 14 tỷ đồng trong công ty liên kết, kinh doanh đã khiến việc tiết giảm chi phí bán hàng và quản lý (lần lượt 11% và 35%) trở nên không có nhiều ý nghĩa trong việc cải thiện lợi nhuận.
Kết 6 tháng đầu năm, VGC báo lãi trước thuế 1.025 tỷ đồng, giảm 41%; lãi sau thuế 777 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ.
Năm 2023, VGC đặt mục tiêu doanh thu 15.750 tỷ đồng, lãi trước thuế 1.210 tỷ đồng. Như vậy, 6 tháng đầu năm, công ty đã thực hiện được 42,5% mục tiêu doanh thu và 85,3% mục tiêu lợi nhuận trước thuế.
Về tài sản, tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của VGC đạt 23.155 tỷ đồng, tăng thêm gần 200 tỷ đồng (tương ứng 0,8%) so với đầu năm. Cơ cấu tài sản cho thấy sự gia tăng về tiền, các khoản tương đương tiền với mức tăng 18%, đạt 2.392 tỷ đồng, chưa tính 128 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng khác.
Các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng 26%, đạt 1.488 tỷ đồng. Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi giảm 14%, còn 276 tỷ đồng.
Đáng chú ý, hàng tồn kho đạt 4.522 tỷ đồng, tăng 6,7% và tài sản dở dang dài hạn đạt 4.893 tỷ đồng, giảm 15%. Tài sản dở dang dài hạn của VGC gồm các dự án: KCN Thuận Thành giai đoạn I (1.133 tỷ đồng), KCN Phú Hà giai đoạn I (687 tỷ đồng), khu du lịch sinh thái cao cấp Vân Hải (474 tỷ đồng), KCN Tiền Hải – Thái Bình (371 tỷ đồng), KCN Phong Điền – Viglacera, Huế (268 tỷ đồng)…
Về nguồn vốn, tại ngày kết thúc quý II/2023, nợ phải trả đạt 13.650 tỷ đồng, giảm hơn 220 tỷ đồng (tương ứng giảm 1,6%) so với đầu năm.
Cơ cấu nợ phải trả có điểm đáng nói là nợ vay đạt 4.225 tỷ đồng, tăng 17%. Trong khi đó, khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn đạt 2.190 tỷ đồng, giảm 9%. Khoản doanh thu chưa thực hiện dài hạn cũng giảm còn 1.628 tỷ đồng (chủ yếu là doanh thu nhận trước của hoạt động cho thuê bất động sản ghi nhận doanh thu sau 12 tháng tới).
Vốn chủ sở hữu của VGC đạt 9.504 tỷ đồng, tăng 4,6% so với đầu năm. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,43 lần.
Trong 6 tháng, dòng tiền kinh doanh của VGC dương 1.709 tỷ đồng. Do đó, công ty khá mạnh tay trong việc mua sắm tài sản (1.676 tỷ đồng). Song cũng vì thế, VGC tiếp tục cho thấy sự phụ thuộc vào dòng tiền đi vay để hoạt động với tiền thu từ đi vay đạt 3.805 tỷ đồng, tăng 32%; tiền trả nợ gốc vay đạt 3.158 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ.
VietnamFinance
In bài viết