Ngày 30/1, tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, MCK: VCB) đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018.
Cụ thể, Vietcombank dự kiến phát hành tối đa gần 2,77 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho các cổ đông, thông qua đó, tăng vốn điều lệ thêm 27.685 tỷ đồng.
Thời gian phát hành cũng được ngân hàng điều chỉnh dự kiến trong năm 2023, 2024, thời điểm cụ thể giao cho HĐQT quyết định sau khi được sự chấp thuận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Vốn điều lệ tăng thêm sẽ được sử dụng vào hoạt động kinh doanh như: đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ; xây dựng trụ sở làm việc, mở rộng mạng lưới; đầu tư cho quá trình chuyển đổi số; mở rộng hoạt động tín dụng, kinh doanh vốn; đảm bảo nguồn lực hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém...
Như vậy, nếu phát hành thành công như dự kiến, vốn điều lệ của nhà băng này sẽ tăng từ hơn 47.325 tỷ đồng lên hơn 75.000 tỷ đồng, trở thành "quán quân" về vốn điều lệ ngành ngân hàng; vượt qua mức 67.000 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, MCK: VPB).
Về tình hình kinh doanh, kết thúc năm 2022, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng 39% so với năm 2021 và đạt 119% kế hoạch năm 2022. Trước đó, nhà băng này đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng tối thiểu 12% so với kết quả năm 2021, tức khoảng hơn 30.675 tỷ đồng.
Huy động vốn thị trường I (từ dân cư và tổ chức) đạt 1,26 triệu tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2021, đạt 100% kế hoạch năm 2022. Tín dụng tăng trưởng vượt mốc 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2021, kiểm soát trong tỷ lệ tăng trưởng được Ngân hàng Nhà nước giao.
Tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,67%, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt 465%, mức cao nhất hệ thống ngân hàng.