VietABank và “canh bạc” Vàng Phước Sơn

(Kinhdoanhnet) – Mặc dù liên tiếp thua lỗ trong mảng kinh doanh vàng thế nhưng VietABank vẫn chưa có biểu hiện muốn rút chân ra khỏi lĩnh vực này. Gần đây VietABank đã đứng ra bảo lãnh khoản nợ thuế cho Vàng Phước Sơn để công ty này hoạt động trở lại.

Liên tiếp thua lỗ trong kinh doanh vàng

Cùng với Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) và Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) thì Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) là cái tên ngân hàng đã có thời gian gắn bó với mảng kinh doanh vàng khá lâu. Nếu như cả TPBank và DongABank đã không còn quá mặn mà với mảng kinh doanh vàng nữa thì VietABank vẫn đang vật lộn với vàng đầy khó khăn.

Đã gần 7 năm trở lại đây VietABank chưa biết đến tiền lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng, mà cụ thể hơn là vàng. Từ thời điểm năm 2010, VietABank báo lỗ thuần gần 25 tỷ đồng ở mảng kinh doanh vàng, nếu tính tổng cả kinh doanh ngoại hối thì ngân hàng lỗ 17 tỷ đồng, đây cũng là năm bắt đầu cho một giai đoạn kéo dài tới gần 7 năm mà đến nay VietABank vẫn chưa thoát ra được. Năm 2011, VietABank thậm chí còn báo lỗ từ hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối lên tới 138 tỷ đồng, dù không nhắc cụ thể lãi lỗ từ kinh doanh ngoại hối là bao nhiêu và kinh doanh vàng là bao nhiêu, nhưng nhiều khả năng phần lớn khoản lỗ vẫn là từ kinh doanh vàng. Trong khi thu nhập lãi thuần từ hoạt động cho vay của ngân hàng năm đó cũng chỉ ghi nhận vào khoảng gần 500 tỷ đồng.

Bước sang năm 2012, VietABank cùng với 16 TCTD khác được Chính phủ chấp nhận cho kinh doanh mua bán vàng miếng, và một lần nữa VietABank lại báo lỗ hơn 47 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối.

Không chấp nhận thất bại, sang năm 2013, VietABank đã cùng với Công ty Vàng Phước Sơn ký một bản thoả thuận hợp tác chiến lược toàn diện. Cùng lúc đó, VietABank cũng ký một hợp đồng tín dụng cho Vàng Phước Sơn vay với hạn mức là 18 triệu USD, một con số không hề nhỏ đối với chính quy mô đã nhỏ của Việt Á. Thế nhưng, vận đen lại một lần nữa bám theo VietABank khi mà một thời gian ngắn sau giá vàng thế giới rớt mạnh. Vàng Phước Sơn rơi vào cảnh nợ nần chồng chất thậm chí còn không đủ khả năng trả nợ thuế lên tới 300 tỷ, kéo theo Việt Á với khoản lỗ lên tới hơn 158 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh vàng.

VietABank và “canh bạc” Vàng Phước Sơn - Ảnh 1

Từ năm 2010 đến nay, VietABank chưa biết lãi trong mảng kinh doanh ngoại hối và vàng. Ảnh. Q.T.

Có lẽ đến đây, VietABank đã nhận thấy sai lầm của mình thế nhưng khi đó đã là quá muộn, với khối lượng tiền đầu tư đã bỏ ra cho mảng kinh doanh kim loại quý này, việc rút chân ra khỏi vàng với Việt Á là quá khó. Bước sang năm 2014, VietABank báo lỗ thuần 97 tỷ đồng từ kinh doanh và đánh giá lại vàng. Sang năm 2015, con số còn bết bát hơn với Việt Á khi vẫn là kinh doanh và đánh giá lại vàng đã khiến ngân hàng lỗ thuần tới gần 248 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm 2016, một lần nữa VietABank lại báo lỗ ở hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối lần này con số sau nửa năm kinh doanh là gần 41 tỷ đồng. 6 tháng cuối năm có lẽ sẽ rất khó khăn với VietABank ở mảng kinh doanh ngoại hối và vàng như cái cách mà nó đã làm khó VietABank gần 7 năm qua.

Canh bạc giải cứu Vàng Phước Sơn

Quay lại thời điểm năm 2013, Vàng Phước Sơn rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Thậm chí, tỉnh Quảng Nam còn ra quyết định đình chỉ hoạt động khai thác vàng của công ty này từ năm 2014 do không thể chi trả được khoản nợ thuế 300 tỷ đồng. Đến đây, VietABank gần như đã biết trước số phận của khoản đầu tư 18 triệu USD của mình vào Vàng Phước Sơn trước đó.

Thế nhưng vừa qua, trong một lỗ lực cố gắng cứu vớt lại khoản đầu tư triệu đô của mình, VietABank đã chấp nhận bảo lãnh cho Vàng Phước Sơn để công ty này được phép hoạt động trở lại với cam kết rằng, khoản nợ hơn 300 tỷ đồng tiền thuế sẽ được Vàng Phước Sơn trả trong vòng 12 tháng. Nếu Vàng Phước Sơn không trả được nợ thì Ngân hàng Việt Á sẽ đứng ra trả nợ thay. Ngoài Ngân hàng Việt Á, thì CTCP Vàng Việt Á cũng đã đứng ra cung cấp một lượng vốn cần thiết để Vàng Phước Sơn khôi phục hoạt động và trả nợ các đối tác khác.

Có thể thấy việc VietABank đứng ra bảo lãnh cho Vàng Phước Sơn để công ty này có thể quay trở lại khai thác vàng là một “canh bạc” thật sự với Việt Á, và trong “canh bạc” này VietABank đang nắm đằng lưỡi. Nếu như sau khi hoạt động trở lại Vàng Phước Sơn thu được thành quả và có khả năng tự chi trả khoản nợ thuế 300 tỷ, thì khoản đầu tư của Việt Á vào công ty này sẽ có khả năng thu hồi nhưng không biết là trong bao lâu. Ngược lại, nếu Vàng Phước Sơn quay trở lại mà hoạt động kém hiệu quả thì một lần nữa Việt Á sẽ phải gánh thêm khoản nợ thuế 300 tỷ đồng với tỉnh Quảng Nam. Khi đó số phận của Việt Á sẽ càng thê thảm hơn.

Tuy nhiên với tình trạng thị trường vàng trong nước và quốc tế đang khá sôi động thời gian gần đây, việc VietABank tự tin đứng ra bảo lãnh cho Vàng Phước Sơn là có cơ sở. Và trong “canh bạc” lần này, liệu sẽ là một nước đi đúng đắn của Việt Á hay lại là bước đi sai lầm.

Quang Thắng

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục