Theo thông tin trên báo VnExpress, số liệu mới được công bố bởi Hiệp hội mỳ ăn liền Thế giới (WINA) trụ sở chính tại Osaka (Nhật Bản), do tác động của lạm phát đến túi tiền người dân, thế giới đã tiêu thụ 121,2 tỷ gói mỳ năm ngoái, mức cao nhất mọi thời đại.
Dữ liệu được tính toán dựa trên ước tính xuất khẩu mỳ gói ở 56 nền kinh tế. So với 2021, số lượng tiêu thụ mỳ gói năm qua tăng 2,6%.
Tiêu thụ mỳ ăn liền toàn cầu đã tăng liên tục trong 7 năm qua. Đến 2022, Trung Quốc, bao gồm Hong Kong, là thị trường lớn nhất, Indonesia đứng thứ 2, tiếp theo là Ấn Độ, Việt Nam và Nhật Bản.
Vào năm 2020, khi nhiều người bị phong tỏa vì đại dịch, nhu cầu mỳ gói toàn cầu đã tăng 9,5%. Mức tăng giảm xuống còn 1,4% vào năm 2021, nhưng sau đó tăng trở lại vào năm 2022. Nguyên nhân bởi giá lương thực ở nhiều nước tăng vọt do lạm phát đã thúc đẩy người tiêu dùng chuyển sang sử dụng mỳ ăn liền như một lựa chọn hợp túi tiền.
Thị trường mỳ ăn liền mở rộng đặc biệt mạnh mẽ ở Mexico. Nhu cầu tại nước này tăng vọt 17,2% vào năm 2021 và vẫn duy trì mức tăng trưởng hai con số vào năm ngoái, đạt 11%. Ngược lại, thị trường Bắc Mỹ giảm 1,4% vào năm 2021, sau đó phục hồi 3,4% vào năm 2022. mỳ ăn liền phổ biến khắp châu Á, nơi các món mỳ là một phần lâu đời của văn hóa ẩm thực, nhưng ngày càng chúng cũng dần hiện diện rộng rãi ở những nơi như Mỹ và Mexico.
Tại Việt Nam, tạp chí Nhà đầu tư dẫn số liệu từ WINA cho biết, trong năm 2022, thị trường Việt Nam đã tiêu thụ khoảng 8,48 tỷ gói mì ăn liền, tiếp tục đứng thứ 3 sau Trung Quốc/Hong Kong (45,07 tỷ gói) và Indonesia (14,26 tỷ gói). Tính theo đầu người, mỗi năm, một người Việt sử dụng mì ăn liền trung bình 85 lần và đứng đầu thế giới.
Trước đó, tờ Korea Herald của Hàn Quốc đưa tin Việt Nam đã vượt qua Hàn Quốc về mức tiêu thụ mì gói trên đầu người. Tờ này thông tin, trung bình một người Việt Nam ăn khoảng 87 gói mì mỗi năm, trong khi người Hàn Quốc trung bình có 73 gói. Trước đó, năm 2019, con số ở Việt Nam là 55 gói, năm 2020 là 72 gói.
Tuy nhiên, sự bùng phát của đại dịch COVID-19 trong năm 2020 đã khiến nhiều lệnh phong tỏa được áp đặt, người dân phải ở nhà nên dẫn tới nhu cầu tự nấu ăn tăng mạnh. Mì gói còn có lợi thế về sự tiện lợi cũng như giá cả.
Tác động của dịch bệnh cũng góp phần khiến sức tiêu thụ mì gói trên toàn cầu tăng mạnh trong giai đoạn từ năm 2020, thời điểm đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, ảnh hưởng tới tình hình tài chính của nhiều hộ gia đình trên thế giới.
So với năm 2021, nhu cầu của người dùng Việt trong năm 2022 đã giảm nhẹ, ở mức gần 1%. Trong khi đó, năm 2021, Việt Nam tiêu thụ 8,56 tỷ gói, tăng hơn 20% so với năm 2020.
Ở Việt Nam hiện có khoảng 50 công ty sản xuất mì ăn liền, bao gồm cả doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp sản xuất mỳ ăn liền ngày càng có nhiều thành tích cao khi 3 năm liền sản lượng tiêu thụ sản phẩm này luôn đi lên.
Xét về thị phần, Acecook và Masan là 2 doanh nghiệp đang dẫn đầu thị trường mỳ gói, chiếm tổng cộng 33%, theo Euromonitor - một trong những hãng nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới, có trụ sở tại Anh.