VIB cũng muốn "kết hôn" với một nhà băng khác

(Kinhdoanhnet) – Theo ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch HĐQT ngân hàng VIB khẳng định ý định về mua bán sáp nhập để mở rộng quy mô và thị phần luôn thường trực trong định hướng phát triển của ngân hàng. Tuy nhiên VIB phải tìm được đối tác thực sự xứng đáng thì mới sáp nhập.

Trong bối cảnh các ngân hàng đang ráo riết tìm kiếm đối tác để sáp nhập theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước, một số cổ đông của Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng đang tỏ ra băn khoăn về kế hoạch sáp nhập hợp nhất của ngân hàng này. Bởi VIB hiện đang thuộc nhóm có quy mô vốn khá nhỏ chỉ 4.250 tỷ đồng do vậy nếu cứ “đứng lẻ loi một mình” thì trong tương lai VIB sẽ rất khó cạnh tranh được với những ngân hàng lớn.

Đại hội cổ đông thường niên năm 2015 ngân hàng Quốc tế Việt Nam.
Đại hội cổ đông thường niên năm 2015 ngân hàng Quốc tế Việt Nam.

Trả lời cho những băn khoăn này của cổ đông, ông  Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch HĐQT ngân hàng VIB cho biết trong năm 2014, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương tiếp tục khuyến khích sáp nhập đối với các ngân hàng nhỏ, tổ chức tín dụng yếu kém, hay có sở hữu chéo… không ngoại lệ, VIB cũng có nhu cầu mua bán, sáp nhập một vài ngân hàng ở phía Nam hoặc phía Bắc để tạo cơ hội phát triển hệ thống.

“Ý định về mua bán sáp nhập để mở rộng quy mô và thị phần luôn thường trực trong định hướng phát triển của VIB” – ông Vỹ khẳng định.

Tuy nhiên ông Vỹ cho biết thêm ngân hàng kiên định với mục tiêu phải tìm được đối tác thực sự xứng đáng, như minh bạch về tài chính, "khỏe mạnh"… thì mới tìm hiểu để có thể tạo ra một ngân hàng mới mạnh hơn, tốt hơn.

"Trong nhiều năm qua, Ban điều hành VIB đang hướng đến tiêu chí minh bạch và đầu tư rất nhiều nguồn lực để đảm bảo sự minh bạch ấy. Moody's cũng đã đánh giá VIB là một trong 2 ngân hàng có sức mạnh tài chính cao nhất. Do đó, khi nào chúng tôi nhìn thấy đối tác có số liệu minh bạch thì đấy mới là cơ sở để kế hoạch sáp nhập của chúng ta không rơi vào rủi ro", ông Vỹ chia sẻ.

Do lo sợ nếu không lựa chọn cẩn thận đối tác sáp nhập thì VIB sẽ dễ đi vào “vết xe đổ” do chính mình tạo ra và rủi ro lúc đó là rất cao do vậy VIB sẽ lựa chọn cẩn thận đối tác sáp nhập, khi nào nhìn thấy một ngân hàng có tài chính thực sự minh bạch để VIB không gặp phải những rủi ro không đáng có, thì lúc đó
HĐQT của VIB sẽ xem xét và tiến hành xin ý kiến cổ đông lại về việc sáp nhập.

Kết thúc năm 2014, VIB đạt 523 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lợi nhuận trước thuế đạt 648 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch. Tổng tài sản đạt 80.661 tỷ đồng, tăng 5% so với 2013. Tín dụng tăng 16%, tăng 4% so với kế hoạch, tăng trưởng huy động 13%. Tỷ lệ nợ xấu của VIB ở 2,51%, giảm so với năm 2013.

Bước sang năm 2015, ban lãnh đạo ngân hàng này đã đặt ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 655 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2014. Mục tiêu tổng tài sản tăng 9% lên 88.251 tỷ đồng, huy động vốn tăng 8% lên 53.000 tỷ đồng.

Ngoài ra trong năm nay VIB cũng dự kiến sẽ xử lý 3.835 tỷ đồng nợ xấu, trong đó dự kiến bán cho AMC của ngân hàng khác 2.209 tỷ động nợ xấu. Ngân hàng này cũng dự kiến sẽ duy trì tỷ lệ nợ xấu quanh ngưỡng 2,5%.

Ngọc Anh (TH theo VnExpress; Infonet; Fica)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục