Vì sao NHNN tính chuyện mua lại GPBank?

(Kinhdoanhnet) – Tính đến thời điểm hiện tại, trong hệ thống tổ chức tín dụng còn khoảng 2 ngân hàng yếu kém đến mức độ cần xử lý ngay để không gây tổn hại cho toàn hệ thống. Hiện NHNN đã lên kế hoạch sẽ thực hiện mua lại hai ngân hàng này với giá 0 đồng để tránh sự đổ vỡ trong toàn hệ thống.

2015 là năm cuối cùng thực hiện đề án tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng do vậy dự báo trong năm nay sẽ có nhiều cuộc sáp nhập giữa các ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại các ngân hàng yếu kém.

“Phát súng” đầu tiên trong năm 2015 được đánh dấu bằng việc NHNN tuyên bố mua lại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) với giá 0 đồng/cổ phần. Nguyên nhân khiến cho NHNN buộc phải thực hiện giải pháp mua lại VNCB với giá 0 đồng là do ngân hàng này có vốn điều lệ đã âm so với vốn pháp định quá sâu trong khi đó các cổ đông lại  không tiếp tục rót vốn để vực dậy ngân hàng. Do vậy NHNN đã tiến hành “quốc hữu hóa” VNCB.

Không dừng lại tại đây, vừa qua ông Nguyễn Phước Thanh – Phó Thống đốc NHNN lại tiếp tục công bố thông tin cho biết hiện cơ quan này đã lên kế hoạch xử lý cụ thể với các trường hợp ngân hàng yếu kém như Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank). Theo đó, GPBank có thể sẽ được quốc hữu hóa giống trường hợp của VNCB.

GPBank là ngân hàng còn lại duy nhất chưa thực hiện tái cơ cấu.
GPBank là ngân hàng còn lại duy nhất chưa thực hiện tái cơ cấu.

Được biết trong số 9 ngân hàng yếu kém buộc phải tái cơ cấu từ năm 2012 thì GPBank là ngân hàng còn lại duy nhất chưa thực hiện tái cơ cấu.

Ngoài GPBank, NHNN cũng dự tính sẽ thực hiện mua lại một ngân hàng khác chỉ mới bộc lộ yếu kém sau khi một loạt các lãnh đạo cấp cao vướng vòng lao lý.

Như vậy có thể  thấy rằng cho đến thời điểm hiện tại, trong hệ thống ngân hàng chỉ còn lại 2 ngân hàng thuộc loại yếu kém, đến mức độ cần xử lý ngay để không gây tổn hại cho toàn hệ thống.

Theo một số suy đoán của các chuyên gia kinh tế việc NHNN dự tính đến phương án mua lại các ngân hàng yếu kém nói trên với mức giá 0 đồng là do các cơ quan chủ quản sợ rằng nếu để cho 2 ngân hàng này phá sản thì sẽ châm ngòi nổ cho một làn sóng hoảng loạn rút tiền của khách hàng và gây ra sự đổ vỡ cho các ngân hàng lành mạnh khác.

Được biết hiện tại các ngân hàng yếu kém nói trên vẫn còn rất nhiều khách hàng gửi tiền trong đó có nhiều khoản tiền gửi trên 50 triệu VNĐ. Mặc dù biết rất rõ nếu hai ngân hàng này phá sản họ cũng chỉ có thể nhận được khoản tiền gửi tối đa là 50 triệu đồng tuy nhiên khách hàng lại không hề có ý định rút hết hay một phần khoản tiền của mình trong ngân hàng bởi họ tin rằng NHNN bằng cách này hay cách khác sẽ “cứu” ngân hàng, đồng nghĩa với việc quyền lợi của họ cũng sẽ được đảm bảo.

Trong thời gian tới không chỉ có các ngân hàng yếu kém nói trên phải thực hiện tái cơ cấu mà kể cả các ngân hàng đang khỏe mạnh cũng sẽ phải thực hiện sáp nhập để tạo ra một ngân hàng mới có quy mô hơn, hoạt động an toàn và hiệu quả hơn.

Ngọc Anh (TH theo LĐ; DNSG; Chinhphu)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục