Vì sao Nhà đầu tư ngoại chưa thể mua nợ xấu tại Việt Nam?

Ở thời điểm hiện tại theo quy định hệ thống ngành nghề thì ở Việt Nam không có ngành nghề kinh doanh mua bán nợ, như vậy để các tổ chức nước ngoài cũng như tổ chức tại VN muốn xin đăng ký thành lập công ty chuyên về nghiệp vụ kinh doanh mua bán nợ thì lại không đăng ký được.

Theo một chuyên gia có kinh nghiệm 25 năm trong việc xử lý nợ xấu, đây là thời điểm vàng cho Việt Nam để mời gọi nhà đầu tư nước ngoài vào xử lý nợ xấu, quan trọng là cần có hành lang pháp lý minh bạch, rõ ràng. Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn mua nợ xấu ở Việt Nam nhưng họ không biết mua như thế nào và làm cách nào để mua.

Với tư cách đại diện cho công ty quản lý quỹ cũng như là người có kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý, ông Nguyễn Khắc Hải, Phó TGĐ Công ty QLQ SSIAM cũng đồng tình với ý kiến trên.

Vì sao Nhà đầu tư ngoại chưa thể mua nợ xấu tại Việt Nam? - Ảnh 1

Lý do thứ nhất: Có thể mua nợ, nhưng không thể bán

Theo ông Hải, hiện tại ở Việt Nam chưa có thị trường mua bán nợ và các đối tượng tham gia vào thị trường mua bán nợ ở Việt Nam rất hạn chế, chỉ gói gọn trong các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) trực thuộc các NHTM, công ty mua bán nợ (DATC) của Bộ Tài chính và công ty quản lý tài sản của các TCTD (VAMC).

Các AMC hoạt động trong 13 năm chỉ gói gọn xử lý nợ cho các NH mẹ mà không mua bán nợ ra bên ngoài, sau hơn 10 năm thì DATC chỉ mua hơn 10.000 tỷ nợ xấu, VAMC mới được thành lập hơn 1 năm cần thời gian để chứng minh hiệu quả.

Vốn của VAMC chỉ 500 tỷ nên hiện tại VAMC chưa thể mua nợ bằng tiền thật mà thông qua phát hành trái phiếu để mua nợ. Điều này thực chất là việc chuyển nợ từ các NHTM sang VAMC quản lý, tạm thời làm sạch sổ sách kế toán của các NHTM, ngoài ra trái phiếu đó dùng để tái cấp vốn cho các NH.

Nhưng vấn đề quan trọng ở đây là, khi VAMC nhận khoản nợ thì đầu ra như thế nào, bán cho ai, ai có thể tham gia mua được từ AMC hay VAMC hay từ DATC.

Theo quy định của Nghị định 53 về tổ chức hoạt động của VAMC cũng như Thông tư 69 của NHNN năm 2007 về việc mua bán nợ giữa các TCTD, Nghị định 53 cho phép VAMC được bán nợ cho các tổ chức cá nhân, còn đối với thông tư 69 về mua bán nợ giữa các TCTD cũng quy định bên mua nợ có thể là các tổ chức trong và ngoài nước.

Rõ ràng quy định cho phép bên mua nợ là tổ chức cá nhân trong và ngoài nước nhưng họ chỉ mua còn bán thì sao? Ở thời điểm hiện tại theo quy định hệ thống ngành nghề thì ở Việt Nam không có ngành nghề kinh doanh mua bán nợ, như vậy để các tổ chức nước ngoài cũng như tổ chức tại VN muốn xin đăng ký thành lập công ty chuyên về nghiệp vụ kinh doanh mua bán nợ thì lại không đăng ký được.

Theo ông Hải, nếu các công ty chỉ được mua nợ mà không bán được thì rõ ràng sẽ chẳng ai mua cả. Ngoài ra, nếu các công ty này không được phép kinh doanh, thì đồng nghĩa với phương thức xử lý nợ rất hạn chế. Nếu khoản nợ được phép kinh doanh thì có thể xử lý bằng cách tái cơ cấu khoản nợ, phát mại tài sản, nhận chính khoản nợ để thay thế nghĩa vụ trả nợ của con nợ, chứng khoán hóa khoản nợ.. . còn nếu không được bán sẽ hạn chế rất nhiều quyền lợi của bên mua nợ trong việc xử lý khoản nợ.

Vì sao Nhà đầu tư ngoại chưa thể mua nợ xấu tại Việt Nam? - Ảnh 2

Lý do thứ hai: NĐT nước ngoài không mua được tài sản bảo đảm

Đối với các NĐT nước ngoài khi muốn tham gia vào thị trường mua bán nợ bằng cách xin giấy phép bằng việc mua tài sản bảo đảm ,nhưng ở Việt Nam tài sản bảo đảm toàn là bất động sản. Theo luật đất đai thì NĐT nước ngoài lại không được phép sở hữu quyền sử dụng đất tại Việt Nam, còn đối với Luật kinh doanh BĐS 2007 thì NĐT nước ngoài không được phép mua nhà, không được phép mua đất.

Theo dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chủ trương mở rộng đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài đã nhận được sự đồng thuận khá cao. Tuy nhiên ông Hải cho ràng nếu sửa luật KD BĐS cho người nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam thì vẫn vướng vẫn phải luật đất đai 2003, nên nếu sửa thì phải sửa cả hai.

Vì sao Nhà đầu tư ngoại chưa thể mua nợ xấu tại Việt Nam? - Ảnh 3

Lý do thứ ba: Công ty QLQ không được phép kinh doanh nợ xấu

Đối với tổ chức trong nước, theo ông Hải, các công ty quản lý quỹ như SSIAM nhìn thấy cơ hội từ thị trường mua bán nợ và nhận được nhiều lời đề nghị từ các tổ chức uy tín nước ngoài có kinh nghiệm tham gia trong lĩnh vực xử lý, muốn vào VN kết hợp với đối tác nội để giúp kinh doanh mua bán nợ, tư vấn nợ, xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên theo ông Hải, theo quy định hiện tại các quỹ đầu tư tại VN chỉ được đầu tư vào chứng khoán và các tài sản khác theo quy định của Bộ Tài chính, chưa có quy định được phép kinh doanh mua bán nợ.

Trong kinh nghiệm nước ngoài sử dụng các quỹ tín thác, ở Việt Nam có thể dùng loại hình quỹ đầu tư chứng khoán chưa có tư cách pháp nhân để thực hiện. Theo đó, các quỹ nhận ủy thác từ các nhà đầu tư. Nếu ở nước ngoài NĐT ủy thác cho các ngân hàng và các ngân hàng chỉ định công ty quản lý quỹ thuê các bên cung cấp để phục vụ cho việc quản lý tài sản ủy thác thì ở Việt Nam các công ty quản lý quỹ cũng có khả năng tư vấn định giá cũng như cung cấp dịch vụ xử lý nợ.

Ông Hải đề xuất cần có sự phối hợp giữa Bộ Tài chính, UBCK và NHNN cho phép các quỹ đầu tư ở VN được phép huy động vốn từ các NĐT nước ngoài cùng tham gia quản lý thị trường mua bán nợ hiện nay.

Lý do thứ tư: Khó khăn xử lý tài sản bảo đảm

Một điểm “nghẽn” trong việc xử lý nợ xấu hiện nay là quá trình xử lý tài sản rất lâu, đặc biệt tài sản cần đăng ký sở hữu như đất đai. Tháng 7 vừa qua đã có thông tư liên ngành giữa Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên môi trường và NHNN về việc tăng thêm quyền và trao quyền chủ động hơn cho chủ nợ được phép xử lý tài sản đảm bảo nhanh hơn.

Cụ thể, trong trường hợp bán tài sản nếu con nợ không chỉ định thì bên nắm giữ tài sản có thể bán tài sản đấy. Nếucon nợ không hợp tác khi bán tài sản phát mại, không chịu ký giấy chuyển quyền sở hữu, Bộ Tài nguyên môi trường vẫn có thể sang tên. Điều này rất quan trọng, không cần con nợ ký, bản thân bên nắm giữ tài sản mặc dù không đứng tên sở hữu nhưng vẫn có thể ký vào giấy tờ sang tên tài sản.

Tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất ở đây là việc phối hợp của các cơ quan đến đâu. Nếu con nợ nhất quyết không rời khỏi bất động sản thì phải nhờ cơ quan công an… Trên thực tế sự phối hợp này vẫn rất lỏng lẻo.

Ngoài ra, việc định giá tài sản cũng là một vấn đề. Chưa có quy định thống nhất về giá trị thực của bất động sản để AMC và VAMC tự tin đưa tài sản bảo đảm ra phát mại theo giá hợp lý thị trường.

Theo TS Trần Du Lịch, cần phải tăng thêm “tiền tươi thóc thật” và tăng quyền lợi cho VAMC, ngoài ra các NHTM tiếp tục trích lập dự phòng, đòi nợ, phát mại tài sản…nếu thực hiện đồng bộ được nhiều giải pháp thì nợ xấu có thể được kéo về 3% đến cuối 2015, đúng như mục tiêu của NHNN.

Theo NDH

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục