Có thể kể đến là thương vụ thâu tóm Công ty Tài chính Việt – SG của HDBank. Tháng trước, Maritime Bank cũng đã trở thành cổ đông lớn nhất của Công ty tài chính Dệt may sau khi mua lại toàn bộ số cổ phần của tập đoàn Dệt May tại công ty này (64,1%).
Mới đây, Ngân hàng Việt Nam Phát triển thịnh vượng (VPBank) cũng đưa ra thông tin cho biết sẽ mua lại Công ty TNHH MTV tài chính Than Khoáng sản Việt Nam (CMF) từ tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin)…. Ngoài ra khá nhiều ngân hàng khác cũng đang xúc tiến mua lại công ty tài chính.
Hầu hết các Công ty tài chính bị mua lại đều thuộc sở hữu của các tập đoàn nhà nước và được thành lập từ trước năm 2008, thời điểm ngành tài chính đang tăng trưởng nóng.
Việt Nam có lợi thế về dân số trẻ, nhưng tỷ lệ sử dụng dịch vụ tài chính - ngân hàng còn hạn chế. Đặc biệt là với tín dụng tiêu dùng, nhu cầu của người dân luôn có, song cung trên thị trường chưa đủ. Chính vì vậy xu hướng mua lại công ty tài chính đang được các ngân hàng đẩy mạnh hơn bởi họ muốn phát triển cơ sở khách hàng và đẩy mạnh hoạt động bán lẻ thông qua thâu tóm công ty tài chính.
Tuy nhiên nguyên nhân sâu xa nhất khiến những ngân hàng này đẩy mạnh việc mua lại các công ty tài chính có lẽ các ngân hàng này đã đón đầu thành công chính sách mới của Ngân hàng Nhà nước, nếu một điều khoản trong dự thảo thông tư mới được thông qua. Cụ thể là quy định buộc các ngân hàng phải sở hữu một công ty tài chính nếu hoạt động trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng.
Dự thảo này là một mũi tên của Ngân hàng Nhà nước nhắm đến cả ba đối tượng: ngân hàng, công ty tài chính và tập đoàn nhà nước.
Đối với ngân hàng, NHNN muốn hoạt động cho vay tiêu dùng phải được tách hẳn ra khỏi hoạt động nội bảng của ngân hàng, bởi đây là phân khúc mang lại khá nhiều rủi ro. Bên cạnh đó NHNN cũng muốn thúc đẩy hoạt động cho vay tiêu dùng tại các ngân hàng.
Tuy nhiên chúng ta lại không thể phủ nhận được vai trò của những đợt sáp nhập này đối với các công ty tài chính và các tập đoàn nhà nước.
Cụ thể những đợt sáp nhập các công ty tài chính vào các ngân hàng đã giúp tái cấu trúc lại các công ty tài chính và giúp các tập đoàn nhà nước thoái vốn.
Thêm vào đó, có vẻ như Ngân hàng Nhà nước cũng đang muốn ngân hàng thương mại giám sát các công ty tài chính thay mình.
Hiện nay việc thoái vốn khỏi các công ty tài chính của các tập đoàn nhà nước vẫn còn diễn ra khá chậm chạp. Vì vậy NHNN kỳ vọng dự thảo mới được ban hành sẽ góp phần thúc đẩy các tập đoàn thoái vốn ngoài ngành.
Lấy ví dụ như trong thương vụ sáp nhập giữa Tài chính Dầu khí (PVF) có một điểm lợi là giảm tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn Dầu khí (PVN) từ 78% xuống còn 52%.
VPBank mua lại công ty tài chính Than – Khoáng sản.
Hay trong thương vụ VPBank mua lại công ty tài chính Than – Khoáng sản, trong thương vụ này phía Vinacomin cho biết tập đoàn này tiến hành bán hết vốn ở Tài chính Than - Khoáng sản cho VPBank với lý do chủ yếu là để thoái vốn đầu tư ngoài ngành.
Theo báo cáo của Chính phủ, 6 tháng đầu năm 2014, tỷ lệ thoái vốn ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng mới chỉ ước khoảng 8,8% trên tổng giá trị vốn đã được thoái, trong khi năm 2013, tỷ lệ này lên đến 75%.
Thời gian tới với dự thảo mới của NHNN, có lẽ việc thoái vốn ngoài ngành của các tập đoàn nhà nước sẽ được triển khai nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Hoàng Anh (TH)