Vì sao Nga chấm dứt cam kết tiêu hủy hạt nhân với Mỹ?

(Kinhdoanhnet) - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố việc Nga ngừng thực hiện cam kết tiêu hủy plutonium ở cấp độ có thể sản xuất vũ khí là một tín hiệu không thể rõ ràng hơn gửi tới Mỹ rằng những việc cấm vận và đe dọa trừng phạt đối với Nga sẽ không có tác dụng.

Quan hệ giữa hai siêu cường  Nga – Mỹ  đã trở nên xấu đi kể từ năm 2014 sau khi Nga “ lẳng lặng” sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine. Sau sự kiện này, Mỹ và các quốc gia phương Tây đồng loạt áp các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Moscow với lý do nước này can thiệp vào cuộc khủng hoảng Ukraine- là một nước có chủ quyền và bày tỏ quan ngại trước “sự xâm lược Nga” tại châu Âu.

Và mối quan hệ này dường như đã đi vào “ngõ cụt” vào tháng 9/2015, Nga quyết định đưa quân đội (đặc biệt là lực lượng không quân vũ trụ - VKS) vào Syria nhằm tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố quốc tế theo đề nghị của tổng thống nước này – ông  Assad.

Tổng thống Nga Putin đã đặt hai nước trước nguy cơ “chiến tranh Lạnh lần thứ 2” khi đã bất ngờ ký quyết định ngừng thực hiện cam kết loại bỏ Plutonium với Mỹ vào ngày 3/10.

Tín hiệu đanh thép gửi tới Mỹ

Ngay sau khi Tổng thống Nga Putin ký quyết định ngừng thực hiện thỏa thuận loại bỏ Plutonium với Mỹ, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố việc Moscow ngừng thực hiện thỏa thuận tiêu hủy plutonium ở cấp độ có thể sản xuất vũ khí là một tín hiệu rõ ràng gửi tới Washington rằng những cấm vận và đe dọa trừng phạt đối với Nga sẽ không có tác dụng.

“Nói với Nga từ vị thế của kẻ mạnh, bằng giọng điệu trừng phạt và dọa dẫm sẽ không có tác dụng”, ông Lavrov nhấn mạnh. Tuy nhiên, ông đồng thời khẳng định Nga sẽ không từ bỏ trách nhiệm giải trừ hạt nhân của mình.

Về phần mình, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest tuyên bố Mỹ thất vọng với quyết định của Nga đình chỉ thỏa thuận về tiêu hủy plutonium ở cấp độ vũ khí. Theo Josh Earnest, thỏa thuận trên đã cam kết loại bỏ một lượng plutonium có thể dùng để chế tạo hàng nghìn vũ khí hạt nhân.

Điều kiện để nối lại cam kết của Điện Kremlin

Nguồn tin từ Hạ viện Nga vào ngày hôm nay- 4/10 cho biết nước này có thể khôi phục hiệu lực Thỏa thuận về plutonium trong trường hợp Mỹ thu hẹp hạ tầng quân sự và số lượng quân nhân trên lãnh thổ các nước NATO, đồng thời dỡ bỏ cấm vận và Đạo luật Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky.

Ngoài ra, Moscow cũng yêu cầu bồi thường những thiệt hại mà Nga hứng chịu do các biện pháp trừng phạt, kể cả thiệt hại vì nước này buộc phải áp dụng biện pháp cấm vận đáp trả và yêu cầu Mỹ có kế hoạch rõ ràng về tiêu hủy hoàn toàn plutonium liên quan trong cam kết giữa hai bên.

Vì sao Nga chấm dứt cam kết tiêu hủy hạt nhân với Mỹ? - Ảnh 1
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Barack Obama

Trước đó, ngày 3/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh ngừng thỏa thuận với Mỹ về sử dụng plutonium, chất có thể chế tạo bom nguyên tử giống như uranium, vì những hành động "thù địch" của Washington đối với Moscow; trong đó có cả hệ quả của những biện pháp trừng phạt về kinh tế mà Mỹ áp đặt đối với Nga.

Một lý do nữa được đưa ra là xuất phát từ việc Nga cần áp dụng các biện pháp cấp thiết nhằm bảo vệ an ninh quốc gia. Sắc lệnh vừa được ký cũng nêu rõ số plutonium không được sử dụng cho mục đích chế tạo vũ khí hạt nhân hay các thiết bị nổ hạt nhân khác, cũng như không được sử dụng trong nghiên cứu hoặc thử nghiệm các thiết bị nổ tương tự hay bất kỳ mục đích quân sự nào khác.

Năm 2010, dựa trên Thỏa thuận hai bên (Nga-Mỹ) ký năm 2000, Mỹ và Nga đã ký kết một thỏa thuận, trong đó hai nước cam kết mỗi bên sẽ loại bỏ 34 tấn plutonium ở cấp độ có thể chế tạo vũ khí vượt mức quy định của mỗi nước (số lượng này đủ để sản xuất vài ngàn đầu đạn hạt nhân). Việc tiêu hủy plutonium, theo thỏa thuận, sẽ được Nga và Mỹ thực hiện trong năm 2018.

Đăng Sơn

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục