Vì sao công ty Kỹ thuật Năng lượng Việt Nam "sở hữu" nghìn tỷ trúng thầu nhưng nợ phải trả liên tục tăng và lỗ, lãi bất thường?

Công ty Cổ phần Thương mại và Kỹ thuật Năng lượng Việt Nam trúng hàng trăm gói thầu với tổng giá trị trên 1.400 tỷ đồng. Doanh thu được ghi nhận đã có lúc lên tới nghìn tỷ đồng kèm theo lợi nhuận lớn nhưng doanh nghiệp vẫn không thoát cảnh thua lỗ.

Nhà thầu nghìn tỷ

Thống kê dữ liệu từ mạng đấu thầu Quốc gia cho thấy, công ty Cổ phần Thương mại và Kỹ thuật Năng lượng Việt nam (công ty Kỹ thuật Năng lượng Việt Nam – PV) trong vai trò độc lập hoặc liên danh đã tham gia 338 gói thầu, trúng 196 gói. Tổng giá trị trúng thầu: 1.480.661.781.568 đồng (Một nghìn bốn trăm tám mươi tỷ, sáu trăm sáu mốt triệu, bảy trăm tám mốt nghìn, năm trăm sáu tám đồng).

Công ty Kỹ thuật Năng lượng Việt Nam trúng 196 gói thầu với tổng giá trị hơn 1.480 tỷ đồng.
Công ty Kỹ thuật Năng lượng Việt Nam trúng 196 gói thầu với tổng giá trị hơn 1.480 tỷ đồng.

Công ty Kỹ thuật Năng lượng Việt Nam là nhà thầu quen mặt tại một số đơn vị như: Công ty Truyền tải điện 1 trúng 39/56 gói thầu, tổng giá trị trúng thầu 150.987.796.125 đồng; trúng 34/41 gói tại công ty Điện lực Hoàng Mai, tổng giá trị 258.789.695.607 đồng; trúng 17/19 gói tại công ty Lưới điện Cao thế thành phố Hà Nội, tổng giá trị 49.498.023.048 đồng.

Đáng chú ý, điểm chung ở nhiều gói thầu mà doanh nghiệp này tham gia và trúng thầu dưới vai trò độc lập hoặc liên danh đều có tỉ lệ tiết kiệm rất thấp cho ngân sách.

Dẫn chứng cụ thể như gói thầu 04: “Xây dựng, cung cấp, lắp đặt tuyến cáp ngầm 110kV và mở rộng ngăn lộ Trạm 110kV” được phê duyệt kết quả vào ngày 10/10/2022. Giá trị dự toán 120.243.248.306 đồng, giá trúng thầu 119.519.133.485 đồng, tiết kiệm 724.114.821 đồng, đạt tỉ lệ 0,6%. Liên danh công ty Kỹ thuật Năng lượng Việt Nam và công ty TNHH một thành viên Ứng dụng Công nghệ mới và Du lịch trúng thầu.

Tháng 11/2022, liên danh công ty Kỹ thuật Năng lượng Việt Nam và CTCP Công nghệ Điện tử Ứng dụng trúng gói thầu số 07: “Cung cấp, lắp đặt vật tư thiết bị và hệ thống điều khiển bảo vệ toàn trạm”. Gói thầu có giá trị dự toán 85.014.785.046 đồng, giá trúng thầu 83.998.000.000 đồng, tiết kiệm 1.016.785.046 đồng, đạt tỉ lệ 1,2%.

Tình trạng tiết kiệm thấp không chỉ ở các gói thầu trăm tỷ, ngay cả những gói có giá trị vài tỷ đồng thì con số tiết kiệm lại càng thu hẹp.

Đơn cử, ngày 26/07/2022, tổng công ty Điện lực Miền trung đã phê duyệt kết quả gói thầu: “CPC-NCS.TT-G02: Cung cấp thiết bị nhất thứ, nhị thứ và dịch vụ lắp đặt nhị thứ”. Gói thầu có trị giá dự toán 4.208.052.691 đồng, giá trúng thầu 4.203.182.280 đồng, số tiền tiết kiệm chỉ hơn 4 triệu đồng, đạt tỉ lệ 0,1%. Công ty Kỹ thuật Năng lượng Việt Nam trúng thầu dưới vai trò độc lập.

Liên tục báo lỗ, nợ tăng dần

Việc trúng hàng loạt gói thầu cũng như các hoạt động kinh doanh khác đã mang lại cho doanh nghiệp từ hàng trăm đến cả nghìn tỷ đồng doanh thu, tuy nhiên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của công ty Kỹ thuật Năng lượng Việt Nam lại liên tục rơi vào cảnh thua lỗ.

Vì sao công ty Kỹ thuật Năng lượng Việt Nam "sở hữu" nghìn tỷ trúng thầu nhưng nợ phải trả liên tục tăng và lỗ, lãi bất thường? - Ảnh 1

Cụ thể, giai đoạn từ năm 2018-2020, doanh thu của doanh nghiệp có sự tăng trưởng mạnh mẽ khi ghi nhận lần lượt 141 tỷ đồng (năm 2018); 432 tỷ đồng (năm 2019) và tăng một mạch lên 1.094 tỷ đồng vào năm 2020.

Đáng chú ý, khoản mục giá vốn hàng bán của doanh nghiệp qua các năm không được tiết giảm khi ghi nhận 123 tỷ đồng (năm 2018); 431 tỷ đồng (năm 2019) và 1.044 tỷ đồng vào năm 2020. Điều này cũng chính là một trong những tác nhân khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh thua lỗ khi ghi nhận âm 511 triệu đồng (năm 2018); âm 13 triệu đồng (năm 2019) và có lãi nhẹ trở lại vào năm 2020 với 9,2 tỷ đồng.

Lũy kế cho cả giai đoạn 2018-2020, công ty Kỹ thuật Năng lượng Việt Nam đưa về 1.667 tỷ đồng doanh thu và 8,6 tỷ đồng lợi nhuận. Như vậy, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) là 0,005; cứ 1 đồng doanh thu thuần công ty chỉ tạo ra 0,005 đồng lợi nhuận cho các cổ đông.

Vì sao công ty Kỹ thuật Năng lượng Việt Nam "sở hữu" nghìn tỷ trúng thầu nhưng nợ phải trả liên tục tăng và lỗ, lãi bất thường? - Ảnh 2

Tại thời điểm cuối năm 2020, tổng tài sản của doanh nghiệp được ghi nhận 476 tỷ đồng, tăng 88% so với mức 253 tỷ đồng đầu năm. Đáng chú ý, khối tài sản này được hình thành chủ yếu là tài sản ngắn hạn lên tới 405 tỷ đồng, chiếm 84% tổng tài sản, trong đó các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận ở mức 196 tỷ đồng, chiếm 41% tổng tài sản, tiền và các khoản tương đương tiền ghi nhận ở mức 139 tỷ đồng, chiếm 29% tổng tài sản.

Trong giai đoạn từ năm 2018-2020, nợ phải trả của doanh nghiệp liên tục gia tăng ghi nhận 97 tỷ đồng (năm 2018); 171 tỷ đồng (năm 2019); và tăng vọt lên 365 tỷ đồng năm 2020. Đặc biệt, nợ phải trả trong năm 2020 được hình thành bởi toàn bộ phần nợ ngắn hạn, trong đó khoản phải trả người bán ngắn hạn ghi nhận 279 tỷ đồng, chiếm 76% tổng nợ phải trả, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn ghi nhận 53 tỷ đồng, chiếm 14% tổng nợ phải trả.

Công ty Cổ phần Thương mại và Kỹ thuật Năng lượng Việt Nam đăng ký lần đầu vào ngày 21/09/2007, địa chỉ tại tầng 3, tòa nhà Vinh Quang, KĐT Tây Nam Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Công ty có vốn điều lệ 125 tỷ đồng. Ông Đỗ Hải An là người đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc.

Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực cung cấp, lắp đặt VTTB điện cho các công trình; Sản xuất tủ bảng điều khiển bảo vệ, cung cấp giải pháp thông tin; Thí nghiệm, kiểm định an toàn, kiểm định đo lường thiết bị điện…

Đức Huy

Đời sống & Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục