Báo Người lao động đưa tin, Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Công ty gạo Trung An, mã chứng khoán: TAR) vừa công bố thông tin về việc nhận được đơn xin từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của bà Lê Thị Tuyết và chức vụ Tổng Giám đốc của ông Phạm Thái Bình. 2 lãnh đạo này vừa được bầu lại vào tháng 6 vừa qua, nhiệm kỳ 2023-2028.
Lý do từ nhiệm được bà Tuyết và ông Bình đưa ra nhằm "cơ cấu lại nhân sự công ty".
Bà Lê Thị Tuyết hiện không nắm giữ cổ phần nào tại công ty gạo Trung An, trong khi ông Phạm Thái Bình sở hữu 11 triệu cổ phiếu TAR - tương đương 14,04% vốn điều lệ.
Thông tin trên chuyên trang Doanh nghiệp & Kinh doanh, ông Bình và bà Tuyết có mối quan hệ là vợ chồng. Hiện tại, bà Phạm Lê Khánh Hân, Thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc; bà Phạm Lê Khánh Huyền, Kế toán trưởng của công ty đều là con gái của ông Bình và bà Tuyết.
Theo báo Công Thương, Công ty gạo Trung An là một trong những "ông lớn" của ngành gạo Việt Nam, đã xuất khẩu gạo sang nhiều thị trường khó tính, trong đó nổi bật có thị trường châu Âu.
Về tình hình kinh doanh, kết thúc quý II/2023, doanh thu thuần Công ty đạt hơn 1.615 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, chi phí lãi vay cao hơn cùng kỳ và công ty phải thanh lý hủy không thể thu hồi một số hàng hóa hư hỏng giao tại cảng cho khách nước ngoài. Do đó, công ty lỗ sau thuế gần 8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 24 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần ở mức 2.513 tỷ đồng, tăng 46%, lãi sau thuế 606 triệu đồng.
Thời gian gần đây, giá gạo xuất khẩu tăng lên mức kỷ lục. Cổ phiếu ngành gạo cũng tăng mạnh.
Điển hình như cổ phiếu của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II, mã chứng khoán: VSF) thời gian qua đã có 11 phiên mang sắc tím, giúp thị giá tăng từ mức quanh 8.000 đồng/cổ phiếu lên mức cao nhất trên 40.000 đồng/cổ phiếu – mức cao nhất lịch sử niêm yết của doanh nghiệp này.
Hay như cổ phiếu AGM của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) mặc dù đang bị hạn chế giao dịch nhưng cũng đã có chuỗi 12 phiên tăng trần liên tiếp từ ngày 24/7 đến ngày 8/8.
Hay như LTG của Tập đoàn Lộc Trời tích lũy thêm 32% và trở về mặt bằng thị giá của tháng 6/2022. Một số mã khác như PAN, SSC cũng phục hồi về vùng giá vào quí III/2022 – thời điểm giá gạo xuất khẩu tăng cao, theo tạp chí Kinh tế Sài Gòn.
Đối với cổ phiếu TAR của Công ty gạo Trung An, trong phiên giao dịch ngày 17/8, giá cổ phiếu TAR đang ở mức 19.900 đồng/ cổ phiếu. Trước đó, TAR từng lên mức cao nhất là 23.100 đồng/cổ phiếu trong phiên 8/8.