Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã chính thức lên tiếng xác nhận thông tin sáp nhập ngân hàng MHB vào BIDV. Theo đó BIDV sẽ công bố thông tin chi tiết về việc sáp nhập trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông sắp tới để xin ý kiến cổ đông.
Vì sao BIDV lại chọn MHB làm đối tượng sáp nhập?
Theo đánh giá của lãnh đạo BIDV, việc sáp nhập với MHB sẽ đem lại nhiều lợi ích cho BIDV và các cổ đông bởi:
Thứ nhất MHB không phải là một ngân hàng yếu kém,các báo cáo tài chính qua kiểm toán những năm vừa qua cho thấy MHB luôn kinh doanh có lãi, không năm nào lợi nhuận dưới 100 tỷ đồng. Do đó khi sáp nhập với MHB sẽ hoàn toàn không ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của ngân hàng này. Việc sáp nhập nếu xảy ra thì chỉ giúp cho BIDV kinh doanh tốt hơn, chứ không xấu hơn.
Lý do thứ 2 đó là MHB đang có khá nhiều đặc điểm phù hợp với chiến lược kinh doanh của BIDV. Hiện BIDV đang có chiến lược thâm nhập vào lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ cao, chú trọng chăn nuôi quy mô lớn và nông nghiệp canh tác trên công nghệ của Israel và Nhật Bản. Trong khi đó trong lĩnh vực này MHB lại có rất nhiều kinh nghiệm, khi sáp nhập với MHB sẽ góp phần giúp BIDV sớm cụ thể hóa chiến lược này.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, về mặt cơ cấu đến nay cả hai tổ chức đều có tỷ lệ nắm giữ của nhà nước trên 90% nên về cơ bản đây là việc dịch chuyển đầu mối sở hữu và sẽ tạo lên một Ngân hàng lớn nhất hệ thống. Còn nếu như xét về mặt thị trường, việc sáp nhập này cũng không mấy ảnh hưởng đến cổ phiếu BID của BIDV vì quy mô của MHB khá nhỏ so với BIDV và cổ phiếu này dù chưa niêm yết nhưng diễn biến trên thị trường là rất tích cực.
Theo tiết lộ của ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch HĐQT ngân hàng BIDV, dự kiến phương án sáp nhập giữa MHB và BIDV sẽ được thực hiện theo nguyên tắc: tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu giữa 2 ngân hàng là 1:1, và bàn giao nguyên trạng. Hiện BIDV cũng đang đàm phán với một số đối tác nước ngoài để lựa chọn cổ đông chiến lược.
Nếu đem so sánh MHB với BIDV thì vốn điều lệ của BIDV đang lớn gấp 8 lần MHB, còn về tổng tài sản, năm 2014, BIDV cũng lớn hơn MHB tới 14,5 lần. Với quy mô vượt trội, các chỉ tiêu về quy mô tín dụng và huy động vốn của BIDV cũng luôn lớn hơn nhiều lần so với MHB. Thêm vào đó lợi nhuận của MHB cũng khá “mờ nhạt” khi đặt cạnh ông lớn BIDV.
Chính vì vậy, mặc dù biết việc sáp nhập MHB vào BIDV sẽ giúp BIDV tốt hơn nhưng tỷ lệ hoán đổi 1:1 không khỏi khiến nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu BID tỏ ra băn khoăn trước sự chênh lệch này.
Được biết ngay từ hồi đầu năm 2014, MHB đã hoàn tất việc xây dựng đề án tái cơ cấu MHB đến năm 2015 trình Ngân hàng Nhà nước. Và từ quý IV/2014, MHB và BIDV cũng đã phối hợp triển khai việc xây dựng đề án sáp nhập theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Hoàng Anh(TH theo ĐTCK; vietnamnet; Trí thức trẻ)