Vay tín chấp: Lãi suất “cắt cổ” khách hàng?

(Kinhdoanhnet) - Nếu chỉ nhìn vào con số lãi suất theo tháng mà các tổ chức tín dụng đưa ra đối với các khoản vay tín chấp thì có thể được cho là không lớn nhưng nếu tính theo năm khách hàng lại đang phải chịu mức lãi suất “cắt cổ” đối với các khoản vay này.

 Sau khi ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư số 07 phân khúc tín dụng tiêu dùng đã thu hút mạnh mẽ sự quan tâm chú ý của các công ty tài chính tiêu dùng cộng với với sự bỏ ngỏ của phân khúc cho vay tín chấp tiêu dùng từ ngân hàng thương mại, thị trường đã ghi nhận những làn sóng gia nhập và cạnh tranh của hàng loạt công ty tài chính tiêu dùng như HomeCredit, Prudential Finance, HD Finance, VPBank Consumer Finance, ACS Việt Nam…

Sự phát triển mạnh mẽ này đã kéo theo tính đa dạng của sản phẩm – dịch vụ cung ứng và tính tiện lợi khi khách hàng tiếp cận vay vốn. Với mức lãi suất các khoản vay dao động trong khoảng từ 1,3%/tháng đến 7,1%/tháng. Sự chênh lệch lãi suất phụ thuộc vào thời gian vay, khoản trả trước và đối tượng vay với mức tín nhiệm khác nhau.

Nhìn vào con số lãi suất theo tháng có thể được cho là không lớn nhưng nếu tính theo năm khách hàng lại đang phải chịu mức lãi suất “cắt cổ” đối với các khoản vay này. Bởi nó có thể lên tới 50%/năm hoặc thậm chí lên đến 100%/năm. Sau khi vay được khoản này, khách hàng sẽ phải è cổ để trả nợ.

Anh Đinh Ngọc Đăng, nhà ở tổ 18, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội chia sẻ cách đây 2 năm, anh có vay tín chấp của Công ty Tài chính Prudential 22 triệu đồng sau khi được nhân viên công ty gọi điện mời vay với lãi suất chỉ 18%/năm.

Vay tín chấp: Lãi suất “cắt cổ” khách hàng?
Vay tín chấp: Lãi suất “cắt cổ” khách hàng.

Tuy nhiên do anh vội vàng nên không đọc kỹ hợp đồng và đồng ý vay trong vòng 3 năm. Thế nhưng, sau khi vay anh mới ngã ngửa ra lãi suất mà nhân viên tư vấn nói là theo năm, còn trong vòng 3 năm, anh Đăng phải trả 860.000 đồng nhân với 36 tháng, số tiền lên tới hơn 30 triệu.

Khi biết lãi suất “cắt cổ” như vậy anh đã cố gắng vay bạn bè để trả dần tuy nhiên, sau 4 tháng trả tiền hàng tháng, không hiểu công ty tính kiểu gì mà hầu như anh phải trả nguyên số tiền anh đã vay trước đó 6 tháng.

Hay như một khách hàng tại Hà Nội cho biết, vợ chồng ông nghèo khó, muốn vay ngân hàng 30 triệu đồng để thuê mặt bằng mở quán làm ăn. Qua giới thiệu, ông được nhân viên của một ngân hàng thương mại tư vấn gói vay 3 năm với lãi suất phù hợp khả năng trả nợ của ông.

Khoảng một tuần sau ông nhận được tiền, tuy nhiên ông sẽ phải trả 5% tổng giá trị vay cho khoản gọi là bảo hiểm tiền gửi khi gặp rủi ro. Để được vay số tiền trên, mỗi tháng hai vợ chồng phải trả cả gốc lẫn lãi là 1,609 triệu đồng, trong đó, lãi suất 3,7%/tháng, tương đương 45%/năm.

Các công ty tài chính tiêu dùng luôn có những lý do biện hộ rất sắc sảo cho mức lãi suất “cắt cổ” này. Bất cứ lãi suất cho vay nào cũng được cấu thành bởi các thành phần khác nhau, trong đó có phần bù rủi ro. Nếu mức rủi ro càng cao thì ngân hàng hoặc công ty tài chính cần tăng mức lãi suất phù hợp. Như vậy lời lý giải này là hoàn toàn hợp lý, nhưng đằng sau lãi suất, các công ty tài chính còn “ăn” thêm tiền của khách hàng thông qua phương pháp tính toán trả nợ.

Ví dụ đối với khoản vay thông thường, Công ty tài chính Prudential đưa ra mức lãi suất khá hấp dẫn cho khách hàng chỉ từ 1,8%/tháng (tương đương 21,6%/năm). Tuy nhiên, thực tế khi đến vay, khách hàng sẽ phải trả thêm vô vàn các loại phí, từ phí kiểm đếm, phí bảo hiểm, phí tư vấn dịch vụ…, với tổng cộng lãi, phí cũng lên tới 30 - 32%/năm. Thậm chí tại VP Bank, có thời điểm khách hàng phải vay với lãi suất lên tới hơn 40%/năm.

Theo TS. Cấn Văn Lực - Giám đốc Trường đào nhân lực của ngân hàng BIDV khẳng định: “Không một tổ chức tài chính, tín dụng nào làm ăn đàng hoàng mà lại cho vay lãi suất cao khủng khiếp như vậy. Cách làm như vậy chắc chắn là làm bậy”.

Tuy nhiên ở chiều ngược lại bà Nguyễn Thị Hồng - Phó thống đốc NHNN lại cho rằng mức lãi suất này còn thấp hơn nhiều so với khoản cho vay tín dụng đen, nên việc cho vay tiêu dùng cũng góp phần hạn chế tín dụng đen trong xã hội.

Đối với một số công ty tài chính tiêu dùng, tổ chức tín dụng cho vay với lãi suất cao, Ngân hàng Nhà nước đã làm việc và chỉ đạo rà soát lại các khoản cho vay đảm bảo an toàn tín dụng và giảm lãi suất cho vay ở mức thấp nhất hỗ trợ khách hàng khi vay vốn.

Ngọc Anh (TH)


KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục