Vay tín chấp lãi suất cao gần bằng cho vay cầm đồ

(Kinhdoanhnet) - Theo các công ty tài chính do chi phí huy động vốn của họ vô cùng đắt đỏ, thêm vào đó khi cho vay tín chấp, các khoản vay không lớn nên chi phí bộ máy và thủ tục khá tốn kém nên buộc phải cho vay với lãi suất cao.

Chương trình cho vay tín chấp tiêu dùng đang được các ngân hàng và các công ty tài chính cho vay với thủ tục khá đơn giản. Tuy nhiên đổi lại, khi tham gia vào các khoản vay này khách hàng sẽ phải chịu một lãi suất cao ngất ngưởng so với vay thế chấp, thậm chí có nơi còn áp mức lãi suất xấp xỉ bằng lãi suất cho vay cầm đồ mặc dù dịch vụ này là dịch vụ chính thống từ phía ngân hàng và công ty tài chính.

Nếu như mức lãi suất tiền gửi ngân hàng chỉ khoảng 5% - 7%/năm, thì tại các tổ chức tín dụng cho vay tín chấp tiêu dùng với mức lãi đến gần 100%/năm - gấp khoảng 20 lần mức lãi suất tiết kiệm!

Vay tín chấp lãi suất cao gần bằng cho vay cầm đồ
Vay tín chấp lãi suất cao gần bằng cho vay cầm đồ.

Áp mức lãi suất cao hàng đầu trên thị trường hiện nay có thể kể đến đó là PPF (Home Credit), tại tổ chức tín dụng này một số khoản vay có thể bị áp lãi suất từ 70% đến trên 80%/năm. Còn lại hầu hết các công ty tài chính khác cũng đang áp mức lãi suất khá cao, tới 60% cho nhiều khoản vay.

Theo giải thích từ phía các công ty tài chính, họ cho biết do chi phí huy động vốn tại các công ty tài chính vô cùng đắt đỏ không giống như tại các ngân hàng. Thêm vào đó khi cho vay tín chấp, các khoản vay không lớn, chỉ từ 20-40 triệu đồng nên chi phí bộ máy và thủ tục khá tốn kém và cồng kềnh trong khi họ vẫn phải trích lập dự phòng các khoản cho vay như ngân hàng. Nên buộc phải cho vay với lãi suất cao.

Tuy nhiên theo các chuyên gia nhận định việc các công ty tài chính áp một mức lãi suất cao như vậy chẳng khác nào khách hàng phải đi vay lãi theo ngày. Tính theo cách tính của "tín dụng đen" thì chi phí vay cũng khoảng 1.500- 2.000 đồng/ngày trên một triệu đồng.

Mặc dù biết rất rõ việc người dân đang phải chịu mức lãi suất cắt cổ khi vay tín chấp tuy nhiên luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cho biết do trong Luật Các Tổ chức tín dụng 2010 đã có quy định cho phép các công ty tài chính và khách hàng có thể tự thỏa thuận lãi suất, nên chẳng thể làm gì được cho dù có bất bình.

Đã có nhiều khuyến cáo dành cho khách hàng có ý định vay tín chấp, nhưng các công ty tài chính lại rất khôn khéo trong việc che đậy lãi suất cao khiến nhiều người khi vay xong mới biết mình bị mắc bẫy. Chẳng hạn, do hiểu tâm lý khách hàng khi vay thường quan tâm đến lãi suất cao hay thấp, nên các công ty tài chính đánh lừa bằng hình thức đưa ra lãi suất vay tính trên dư nợ ban đầu. Nếu nhìn sơ qua thì đây là mức lãi suất thấp tuy nhiên nếu tính toán kỹ thì khách hàng đang phải chịu một mức lãi suất rất cao.

Không thể phủ nhận rằng các công ty tài chính đã và đang là những tổ chức hỗ trợ tài chính rất lớn cho người dân có nhu cầu. Tuy nhiên, với mức lãi suất cho vay như hiện nay và chưa có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan thẩm quyền, hầu như không bị khống chế trần cho vay suốt thời gian qua nên đây cũng là một kiểu bắt chẹt người khó. Do vậy nhiều ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước không nên tiếp tục để cho các tổ chức tín dụng được tự ấn định lãi cho vay hoặc tự thỏa thuận lãi suất với người vay, nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.

Ngọc Anh (TH theo Vietnamnet; CAND; BizLIVE)        

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục