Dòng vốn lớn “chảy” về dự án Prime Cam Ranh Bay Hotel & Resort
Theo dữ liệu trên Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm vừa chào bán thành công lô trái phiếu trị giá 240 tỷ đồng cho thị trường trong nước. Trái phiếu được phát hành vào ngày 16/12/2021, kết thúc đợt chào bán vào ngày 15/3/2022, kỳ hạn trái phiếu là 3 năm, đáo hạn vào ngày 16/12/2024. Ngoài ra, những thông tin chi tiết về lãi suất, mục đích phát hành, tài sản đảm bảo, trái chủ cũng như bên thu xếp cho thương vụ không được doanh nghiệp công bố.
Trước đó, Đầu tư Cam Lâm cũng đã phát hành 2 lô trái phiếu, huy động thành công 641 tỷ đồng. Cụ thể, ngày 14/4/2021, Đầu tư Cam Lâm thông báo đã hoàn tất chào bán riêng lẻ 64.099 trái phiếu cho 150 nhà đầu tư cá nhân trong nước, tương đương huy động số tiền 641 tỷ đồng. Trái phiếu này có kỳ hạn 36 tháng, đáo hạn vào ngày 14/4/2024, lãi suất cố định 12%/năm, là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có bảo đảm. Trái chủ là một nhà đầu tư cá nhân trong nước, thương vụ được thu xếp bởi Chứng khoán Everest.
Ngày 16/8/2021, Đầu tư Cam Lâm tiếp tục huy động vốn thông qua việc phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng khối lượng 26.000 trái phiếu, tương đương tổng giá trị huy động 259,2 tỷ đồng. Lô trái phiếu có kỳ hạn 4 năm, đáo hạn vào ngày 16/8/2025. Đây cũng là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có bảo đảm với kỳ hạn 48 tháng. Trái chủ là một nhà đầu tư cá nhân trong nước, và Chứng khoán Everest tiếp tục là đơn vị thu xếp cho thương vụ này.
Nguồn vốn thu được từ 2 đợt phát hành này đều được được công ty sử dụng để đầu tư xây dựng dự án Khu du lịch sinh thái Prime - Prime Cam Ranh Bay Hotel & Resorts giai đoạn II.
Như vậy, tính đến nay, Đầu tư Cam Lâm đã huy động tổng cộng 1.140 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu, trong đó gần 900 tỷ đồng được công bố rõ ràng sẽ “đổ” vào dự án Prime Cam Ranh Bay Hotel & Resort. Số còn lại không được tiết lộ cụ thể.
Được biết, Đầu tư Cam Lâm là chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Prime - Prime Cam Ranh Bay Hotel & Resorts tọa lạc tại Lô D14C, khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà.
Dự án được xây dựng trên tổng diện tích 130.862 m2, trong đó gồm 784 căn hộ du lịch và 124 khách sạn, 175 biệt thự và siêu biệt thự. Dự án được đã được phê duyệt quy hoạch 1/500, bao gồm 2 giai đoạn.
Trong đó giai đoạn 1 công ty đã hoàn thành xây dựng thô 175 căn biệt thự và đang trong giai đoạn hoàn thiện công trình, tương đương hoàn thành 95% khối lượng công việc xây dựng biệt thự và các khu vực tiện ích.
Đầu tư Cam Lâm cho biết đã hoàn thành thi công các tầng hầm B1, B2, B3 và cả phần thô công trình, đang trong quá trình thi công hệ thống cơ điện để dự kiến đưa vào sử dụng trước tháng 1/2023.
Hiện nay, Đầu tư Cam Lâm cũng đang hoàn thiện pháp lý triển khai dự án Sa Huynh Aurai Resort tại Quảng Ngãi. Dự kiến trong quý 3/2022, dự án này sẽ bắt đầu khởi công xây dựng.
Đầu tư Cam Lâm được thành lập vào tháng 7/2014 và từng là công ty con của CTCP Đầu tư tài chính Hoàng Minh (Mã CK: KPF) với tỉ lệ sở hữu lên tới 93% vốn điều lệ. Tuy nhiên sau đó, KPF đã chuyển nhượng phần vốn góp 73,5 tỷ đồng tương đương 49% vốn điều lệ tại Đầu tư Cam Lâm với tổng giá trị chuyển nhượng hơn 91,8 tỷ đồng cho các cá nhân.
Cụ thể, KPF chuyển nhượng phần vốn góp 45 tỷ đồng, tương đương 30% vốn điều lệ của Cam Lâm cho và Lê Nguyễn Lan Vy với giá chuyển nhượng hơn 56,2 tỷ đồng; KPF chuyển nhượng 28,5 tỷ tương đương 19% vốn điều lệ của Cam Lâm cho ông Trần Trọng Dũng với giá chuyển nhượng 35,6 tỷ đồng.
Sau khi hoàn thành xong thủ tục chuyển nhượng 49% vốn điều lệ của Đầu tư Cam Lâm, phần vốn góp của KPF nắm giữ tại Cam Lâm là 66 tỷ đồng, tương đương 44% vốn điều lệ. KPF cho biết, việc giảm tỷ lệ sở hữu tại Cam Lâm nhằm mục đích củng cố năng lực tài chính để chuẩn bị cho các cơ hội đầu tư đem lại hiệu quả tốt hơn trong năm 2021.
Muốn huy động gần 2.300 tỷ đồng qua phát hành trái phiếu và cổ phiếu
Về tình hình kinh doanh, kết thúc quý 1/2022, KPF ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 10,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 9,8 tỷ đồng lần lượt tăng gấp 3,2 lần và 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Nợ phải trả của Tài chính Hoàng Minh ghi nhận tại ngày 31/3/2022 đạt 314 tỷ đồng, không nhiều biến động so với con số 315 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó, chủ yếu là nợ dài hạn với 300 tỷ đồng. Đây là khoản phải trả dài hạn của Công ty TNHH Xây dựng Tân Hải Huy.
Theo thuyết minh, đây là khoản hợp tác kinh doanh với Tân Hải Huy theo hợp đồng hợp tác kinh doanh được ký kết vào cuối năm 2019 thực hiện dự án khách sạn TTC Hotel TẠI 20-22-24 Đông Du, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM. Giá trị vốn góp của Tân Hải Huy tại dự án này là 400 tỷ đồng, thực hiện dự án trong vòng 30 năm. KPF cho biết, dự án này sẽ được thay đổi mục đích sang lĩnh vực kinh doanh dịch vụ lưu trú sang cho thuê văn phòng.
Trong năm nay, Tài chính Hoàng Minh đặt mục tiêu kinh doanh tăng trưởng mạnh với doanh thu ước tính tăng gần gấp 4 lần thực hiện năm 2021, lên mức 450 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 250 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 170% lên 205 tỷ đồng. Doanh nghiệp dự kiến 80% doanh thu sẽ đến từ hoạt động đầu tư và kinh doanh bất động sản và 20% đến từ việc đầu tư tài chính và cơ cấu tài sản.
Trong năm 2022 công ty quyết định gia tăng các hoạt động phân tích đầu tư, hợp tác kinh doanh bằng các cấu trúc tài chính phù hợp. Đặc biệt trong năm 2022 công ty dự kiến sẽ có khoản thu bán hàng bắt đầu từ quý 3 của dự án đầu tư vào 199 căn hộ du lịch biển tại Đà Nẵng.
Đáng chú ý, tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 của KPF được tổ chức hồi cuối tháng 3, doanh nghiệp cho biết trong năm nay sẽ triển khai tăng vốn bằng cách phát hành cho cổ đông hiện hữu để tiếp huy động vốn đầu tư tiếp vào các dự án tiềm năng như Khu đô thị Takara (19,7ha tại Bình Dương), Khu du lịch sinh thái Mekong Golf & Villas (20ha) và các dự án khác…
Tài chính Hoàng Minh dự kiến phát hành tổng cộng hơn 133,7 triệu cổ phiếu, trong đó phát hành 6,36 triệu cổ phiếu trả cổ tức (tỷ lệ 5%) và chào bán 127,36 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 1:1), giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu.
Tổng số tiền thu được từ đợt chào bán dự kiến hơn 1.273 tỷ đồng sẽ dùng 1.000 tỷ đồng đầu tư, góp vốn, mua cổ phần tại các công ty, dự án; số còn lại hơn 273 tỷ đồng để đầu tư kinh doanh bất động sản bằng cách tài trợ một phần vốn triển khai, hợp tác dự án… Sau phát hành, công ty tăng vốn điều lệ lên 2.611 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong năm nay, Công ty cũng lên kế hoạch phát hành tối đa 1 triệu trái phiếu, mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu. Tổng giá trị phát hành là 1.000 tỷ đồng. Giá phát hành dự kiến bằng mệnh giá. Kỳ hạn trái phiếu tối đa 3 năm và lãi suất sẽ do HĐQT quyết định tùy điều kiện thị trường nhưng tối đa không quá 12%/năm. Thời điểm phát hành dự kiến trong năm 2022.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu KPF đang giao dịch quanh vùng giá 12.000 đồng/cp. Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/6, thị giá KPF đạt 12.750 đồng/cp, giảm hơn 31% so với đỉnh giá hồi đầu năm nay.
Sở hữu trí tuệ
In bài viết