Vang Thăng Long: Biểu tượng 1 thời chìm trong thua lỗ

Từng là một biểu tượng trong mảng F&B của Việt Nam, nhưng hiện tại Vang Thăng Long (VTL) đang phải gánh chịu những khoản thua lỗ liên tiếp. Thậm chí đã có thời điểm vốn chủ của Vang Thăng Long bị bào mòn sạch toàn bộ và phải ghi nhận số âm trên BCTC và bị huỷ niêm yết.

Vang Thăng Long: Biểu tượng 1 thời chìm trong thua lỗ - Ảnh 1

Bốn năm khó khăn liên tiếp thua lỗ của Vang Thăng Long

CTCP Vang Thăng Long (Mã VTL) có tiền thân là Xí nghiệp Nước Giải khát Thăng Long, thành lập từ năm 1989 thuộc Công ty Rượu bia Hà Nội. Vào năm 2001, công ty đã chuyển đổi sang hình thức công ty cổ phần và bắt đầu niêm yết cổ phiếu lên sàn HNX từ năm 2005.

Hoạt động kinh doanh của Vang Thăng Long bắt đầu đi xuống từ năm 2019 khi bắt đầu dịch bệnh Covid-19. Trong năm này, VTL ghi nhận doanh thu 77,9 tỷ và lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh tới 12,9 tỷ đồng. 

Tại 2 năm liên tiếp sau đó, Vang Thăng Long đều ghi nhận lỗ ngay từ hoạt động kinh doanh chính. Cụ thể, tại năm 2020, doanh thu công ty giảm xuống còn 50 tỷ, lỗ 14,8 tỷ từ hoạt động kinh doanh, lỗ sau thuế 15 tỷ đồng.

Sang đến năm 2021, doanh thu ghi nhận 80,8 tỷ đồng, lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 10,2 tỷ. Tuy nhiên, khoản thu nhập khác ghi nhận trên BCTC đã giúp Vang Thăng Long tạm thời thoát lỗ trong năm 2021 với lợi nhuận khiêm tốn chỉ 461 triệu đồng.

Tại năm 2022, hoạt động kinh doanh của VTL tiếp tục lao dốc với doanh thu đạt 79,9 tỷ đồng, lỗ sau thuế chạm đáy 35,7 tỷ đồng. Theo ghi nhận tại Quý 1/2023 thì Vang Thăng Long chỉ phát sinh doanh thu 3,5 tỷ và tiếp tục lỗ thêm 4 tỷ đồng.

Một tên tuổi đồ uống trong nước khó khăn.
Một tên tuổi đồ uống trong nước khó khăn.

Theo giải trình từ phía công ty thì dịch Covid-19 cùng Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã ảnh hưởng tới việc tiêu thụ rượu bia. Điều này tác động không nhỏ tới kết quả kinh doanh của VTL.

Từng âm vốn chủ, lỗ sau thuế chưa phân phối hàng chục tỷ đồng 

Tình trạng thua lỗ kéo dài của Vang Thăng Long đồng thời ảnh hưởng tới hoạt động sử dụng vốn của công ty. Theo đó, tại cuối Quý 1/2023, công ty ghi nhận tổng nguồn vốn 95 tỷ đồng. Trong đó nợ phải trả chiếm tới 111,3 tỷ đồng.

Chỉ tiêu về vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của Vang Thăng Long chiếm tới 61 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty cũng vay nợ dài hạn thêm khoảng 76 triệu đồng.

Ghi nhận về vốn chủ sở hữu tại cuối Quý 1/2023, trước thời điểm VTL bị huỷ niêm hết, vốn chủ sở hữu của công ty âm tới 16,2 tỷ đồng.

Phần vốn góp của chủ sở hữu chiếm 50,6 tỷ đồng đã bị thổi bay hoàn toàn. Nguyên nhân là bởi khoản lỗ luỹ kế lên tới 66,9 tỷ đồng mà công ty tích luỹ theo từng năm.

Phát hành thêm 5 triệu cổ phiếu huy động vốn

Tình trạng thua lỗ triền miên đã khiến cổ phiếu VTL bị huỷ niêm yết vào giữa tháng 5/2023. Ngay trước thời điểm huỷ niêm yết, để có nguồn vốn duy trì hoạt động, VTL đã phải chào bán thêm 5,06 triệu cổ phiếu riêng lẻ với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Sau giao dịch chào bán, VTL huy động được 50,6 tỷ đồng.

Kết quả chào bán cho thấy có 2 nhà đầu tư trong nước tham gia mua cổ phiếu bao gồm: Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor) mua 250 nghìn cổ phiếu, nâng lượng sở hữu lên 490 nghìn tương ứng 4,84% vốn điều lệ.

Công ty TNHH Xây dựng và Đầu tư Dịch vụ Thương mại Thành Công mua 4,81 triệu cổ phiếu và trở thành cổ đông lớn nhất nắm 47,53% vốn điều lệ. Sau khi phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ của VTL đã tăng gấp đôi lên 101,2 tỷ đồng. 

Một cổ đông lớn khác của VTL phải kể đến là Công ty TNHH Thương Mại và Dịch vụ Sản xuất An Thịnh, đang nắm giữ 26,27% vốn điều lệ.

Nhật Minh

VietnamFinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục