Theo báo cáo tổng kết hoạt động kinh tế - xã hội của huyện, trong 35 chỉ tiêu chủ yếu đề ra năm 2022, huyện có 27 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 8 chỉ tiêu đạt 100% kế hoạch. Huyện ủy Văn Yên xác định 2023 là năm tăng tốc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hoá - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Từ chủ trương đúng đắn
Trong số các huyện của tỉnh miền núi cao Yên Bái, Văn Yên được thiên nhiên ưu đãi bởi địa hình phong phú có núi cao, thung lũng, đồng bằng; khí hậu và thổ nhưỡng đa dạng. Nhờ đó, Văn Yên có điều kiện phát triển nhiều loại nông sản có chất lượng. Riêng trong năm 2021, huyện Văn Yên có 10 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP (theo chương trình mỗi xã một sản phẩm). Năm 2022, huyện tiếp tục xây dựng mới 8 sản phẩm OCOP đó là: Cá Tầm thương phẩm của HTX nông nghiệp và du lịch Nà Hẩu; Cao bột Cà Gai Leo của HTX sản xuất dược liệu Yên Bái Thanh Sơn; Trà Quế Phương Nhung của Doanh nghiệp tư nhân Phương Nhung; Tinh dầu Sả Chanh Văn Yên của HTX Quế Văn Yên; Cam đường canh của Hộ KD Trần Thị Yến, xã Đông An; Homestay Nông Văn Quỳnh của Hộ KD Nông Văn Quỳnh, xã Phong Dụ Thượng; Điểm du lịch sinh thái - cộng đồng của tổ hợp du lịch sinh thái – cộng đồng Quang Minh; Tinh Bột Sắn của Công ty CP LNSTP Yên Bái (Nhà máy sắn Văn Yên).
Mục tiêu của huyện Văn Yên đề ra là trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ phấn đấu xây dựng được 40 sản phẩm OCOP tập trung vào lĩnh vực kinh tế nông nghiệp quan trọng của huyện để phát triển sản xuất tập trung quy mô lớn trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa nông nghiệp và phi nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Đến tận dụng lợi thế
Huyện Văn Yên còn được đánh giá cao trong lĩnh vực công nghiệp khai khoáng và vật liệu xây dựng bởi sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, phong phú và có trữ lượng lớn. Huyện cũng xác định đây chính là một lợi thế để thu hút các nhà đầu tư đến khai thác, chế biến và kinh doanh tăng thu ngân sách nhà nước, đóng góp cho đầu tư phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Tận dụng tối đa lợi thế, Văn Yên đang nỗ lực phát triển, đẩy mạnh huy động, thu hút các nguồn lực, khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư, phát triển hạ tầng, góp sức song hành cùng địa phương phát triển, với mục tiêu trở thành Trung tâm động lực phát triển kinh tế khu vực Tây Bắc Bộ.
Nhờ đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đến nay, toàn huyện có 77 dự án đến đầu tư với tổng vốn trên 10.300 tỷ đồng. Một số dự án lớn như: Dự án đầu tư Thủy điện Thác Cá 1 tại xã Mỏ Vàng với tổng vốn đầu tư 1.070 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng nhà máy gia công sang chai đóng gói thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ côn trùng và sản xuất phân bón tại xã Đông An của Công ty cổ phần BMC Yên Bái với tổng vốn đầu tư trên 230 tỷ đồng; Công ty cổ phần JUNMA Yên Bái đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ván ép với công suất 700 - 800 m3 ván ép/ngày,…
Xác định rõ những lợi thế, thời gian qua, huyện Văn Yên cũng đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, huy động tối đa các nguồn lực, xây dựng hệ thống giao thông nông thôn gắn với thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hoá – xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Không những vậy, Văn Yên còn được hưởng lợi trực tiếp từ chiến lược phát triển mạng lưới giao thông Quốc gia khu vực phía Bắc. Đây là những tiền đề vững chắc để Văn Yên phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Sở hữu trí tuệ
In bài viết