Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mua nợ bằng giá sổ sách, vậy có được bán lại với giá 30-40% hay không? Nếu VAMC, tổ chức tín dụng (TCTD) đồng thuận bán nợ, tài sản đảm bảo đã mua với giá thấp hơn giá trị sổ sách liệu các TCTD có đủ nguồn để bù đắp được phần còn lại? Hay có cho phép con nợ tự giải quyết vấn đề của mình bằng cách mua lại chính khoản nợ của mình?
Một số nhà đầu tư nước ngoài tới TPHCM hồi đầu tháng 7 vừa qua đã hỏi lãnh đạo công ty chứng khoán ở TPHCM, nơi họ mở tài khoản và sử dụng dịch vụ như vậy.
Tất nhiên đại diện công ty chứng khoán không thể trả lời câu hỏi này. Chính ông cũng lo lắng bởi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nói VAMC sẽ mua tối thiểu 70.000 tỉ đồng nợ xấu năm nay nhưng tới tháng 7 vừa rồi mà số nợ công ty gom được mới chỉ trên 11.000 tỉ đồng, chưa tới 20% số đã cam kết.
VAMC đã mua hơn 52.000 tỉ đồng nợ xấu từ khi ra đời thay vì để các ngân hàng tự "giấu sau lưng". Công ty đã nỗ lực trong khả năng của mình như phân loại, xem xét phương án tái cơ cấu nợ cho một số khách hàng có khả năng phục hồi kinh doanh, trực tiếp và ủy quyền cùng với TCTD xử lý tài sản bảo đảm, ủy quyền cho các tổ chức khởi kiện một số khách hàng liên quan đến một số khoản nợ. Công ty cũng chưa lấy đồng tiền nào từ ngân sách. Thế nhưng, mục tiêu trở thành công cụ đặc biệt để xử lý nợ xấu thì VAMC chưa đạt được. Đến nay, tiến trình xử lý nợ chững lại, chưa thấy thêm ánh sáng nào cuối đường hầm nợ xấu, bởi chính bản thân VAMC cũng chưa tự trả lời được những câu hỏi về vấn đề của mình.
Những vấn đề đó, là những vướng mắc pháp lý cơ bản về mua bán, xử lý nợ và tài sản bảo đảm, cũng như một cơ chế hoạt động riêng để VAMC "đẩy" nợ xấu đi nhanh hơn.
Chẳng hạn, VAMC cần được mua bán nợ bằng tiền thật, cần thẩm quyền mạnh hơn trong xử lý vi phạm của chủ nợ và bán, chuyển nhượng hay khởi kiện liên quan các khoản nợ và tài sản bảo đảm; cần được tạo điều kiện làm các hoạt động bảo lãnh, đầu tư, hỗ trợ tài chính cho khách hàng (con nợ) để họ vay và hoàn thiện những dự án có tính khả thi, còn khả năng "vớt vát"; cần cơ chế "mở" chợ mua bán nợ mà ở đó người nước ngoài được giao dịch, chuyển nhượng, đứng tên những khoản nợ và tài sản bảo đảm là đất đai. Nếu không giải quyết được chuyện tài sản bảo đảm đất đai, VAMC sẽ giậm chân tại chỗ, bởi trên 90% nợ công ty đã gom về có tài sản bảo đảm là nhà, đất.
Một nguồn tin từ cơ quan có thẩm quyền cho biết, để gỡ nút thắt này, Nghị định số 53/2013 về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC và Thông tư 19 hướng dẫn đang được sửa đổi, đang dừng ở khâu lấy ý kiến các bộ, ngành. Quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật nhiều năm nay cho thấy việc lấy ý kiến bộ, ngành rất mất thời gian.
Một ngân hàng nói rằng họ kỳ vọng rằng việc sửa đổi này sẽ mở ra một thị trường nợ thực sự mà những chủ thể ban đầu sẽ là VAMC, DATC (Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp, thuộc Bộ Tài chính), gần 20 AMC (Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản, thuộc các TCTD) và các nhà đầu tư cá nhân. Các AMC hiện đang xử lý nợ cho chính ngân hàng mẹ, có chức năng như một phòng thu nợ, nếu mở ra thị trường nợ thì phải có cơ chế khác để chính các ngân hàng mua nợ với nhau theo quy luật thị trường qua AMC của mình.
Vẫn câu hỏi "Tiền đâu?"
Một điều rất quan trọng để VAMC có thể mua đứt bán đoạn nợ là VAMC phải có tiền. Hơn 52.000 tỷ đồng nợ họ đã mua đều bằng "giấy". Việc bổ sung vốn từ nguồn ngân sách để VAMC có nguồn lực mua nợ theo cơ chế thị trường vẫn đang được xem xét. NHNN đã có đề nghị "xin" một khoản tiền khiêm tốn ban đầu cấp cho VAMC mua nợ nhưng Bộ Tài chính chưa gật. Có lẽ trong tình hình ngân sách chưa hết co kéo, những người quyết định lo rằng sẽ có ý kiến phản đối việc "lấy tiền của dân đi mua nợ" cho ông chủ ngân hàng. Nhưng nếu không có động tác này, các khoản nợ vẫn luẩn quẩn ở chân ngân hàng.
Một kịch bản có thể xảy ra là VAMC sẽ bán một số khoản nợ xấu cho DATC hoặc là qua sự môi giới của DATC. Nếu bán nợ từ VAMC qua DATC, giới tài chính sẽ thở dài bởi việc này giống như chuyển nợ từ túi phải qua túi trái. Bản thân năng lực mua nợ của DATC cũng quá yếu vì vốn công ty này nhỏ, lại bị ràng buộc bởi các quy định cứng nhắc nhiều năm qua. Cần xem nguồn vốn DATC mua nợ từ đâu ra, nếu mua cũng bằng "giấy" như VAMC đã mua nợ hay DATC đã mua nợ Vinashin bằng trái phiếu thì đúng là nợ đi từ túi phải qua túi trái thật. Nếu mua bằng tiền thì DATC sẽ không mua được nhiều vì DATC cũng "nghèo", tổng tài sản chưa đến 7.000 tỉ đồng, vốn điều lệ chỉ 2.400 tỉ đồng. Nhưng giả sử DATC có thể huy động được tiền, như từ việc phát hành trái phiếu, và lấy tiền đi mua nợ của VAMC thì đó là một cách nên khuyến khích mặc dù để làm được như vậy, các quy định và tư duy người quản lý cần thay đổi rất nhiều. Còn DATC chỉ làm trung gian, đứng ra tìm người mua nợ cho VAMC và ăn phí, thì thị trường mua bán nợ cần được mở ra cho nhiều thành phần tham gia.
Chợ nợ xấu, bao giờ?
Một trong những quyền quan trọng trong mua bán nợ là quyền hoàn thiện tài sản bảo đảm và đứng ra bán đấu giá tài sản bảo đảm. Cả hai quyền này VAMC đều không được làm. Nhiều tài sản không có giấy tờ đầy đủ, nếu đang tranh chấp hay không được sự đồng ý của chủ tài sản thì VAMC cũng không có quyền đưa ra đấu giá.
Người nước ngoài chưa được tham gia đấu giá mua nợ mặc dù đã có chủ trương. Mua nợ bản chất là mua tài sản bảo đảm. Hầu hết tài sản bảo đảm cho các khoản nợ của VAMC đã mua và sẽ bán là bất động sản nhưng người nước ngoài chưa được đứng tên bất động sản. Nhiều nhà đầu tư mua nợ muốn chuyển nợ thành vốn góp hay tạo quyền tham gia doanh nghiệp trong một số lĩnh vực vì trực tiếp xin giấy phép đầu tư các lĩnh vực này rất khó khăn. Ví dụ ngành rượu bia, Chính phủ không cấp thêm giấy phép cho doanh nghiệp mới. Họ muốn vào ngành này thông qua mua bán cổ phần thông thường cũng rất khó. Nhưng đường vòng - mua nợ như vậy cũng không được vì chưa có thị trường nợ và người nước ngoài chưa được tham gia.
Thêm nữa, người nước ngoài, có nguồn lực, muốn mua nợ phải xin phép nhiều cơ quan vì liên quan nợ công, đầu tư. Chính vì thế, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã mua tài sản tại Việt Nam bằng cách ủy quyền cho đơn vị trung gian trong nước đứng ra mua hộ. Qua con đường đó họ không có quyền quản lý trực tiếp tài sản và cơ quan quản lý cũng khó khăn hơn để nắm bắt thị trường.
Nợ xấu vì thế chưa biết còn mắc kẹt đến khi nào!
Theo Lao Động