VAMC vẫn chỉ là “người trung chuyển nợ”?

(Kinhdoanhnet) - Nghị định 34 được ban hành đã trao thêm quyền cho VAMC để thực hiện mua bán xử lý nợ xấu. Tuy nhiên theo T.S Hiếu nếu như những quy định pháp lý vẫn bị bỏ ngỏ, chưa hoàn thiện, thì VAMC sẽ vẫn chỉ đóng vai trò là “người trung chuyển nợ” mà thôi.

Trong ngày cuối cùng trong quý I/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) có hiệu lực từ ngày 5/4/2015. Đây được coi là một động thái quyết liệt của Chính phủ trong việc xử lý đưa nợ xấu về dưới mức 3% vào cuối năm nay.

Cụ thể, theo Nghị định vốn điều lệ của VAMC sẽ được nâng lên thành 2.000 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với trước đây (500 tỷ đồng). Bên cạnh đó VAMC cũng được phát hành trái phiếu để mua nợ xấu theo giá trị thị trường trên cơ sở kế hoạch phát hành trái phiếu được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Đồng thời trái phiếu của VAMC do tổ chức tín dụng nắm giữ cũng được sử dụng để tham gia nghiệp vụ thị trường mở và tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước.

Có thể thấy rằng đây là một tin vui đối với hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu của VAMC. Trước đây VAMC chủ yếu vẫn mua nợ xấu và trả cho các ngân hàng trái phiếu đặc biệt, thực chất đây là hình thức “mua nợ chịu”. Tuy nhiên với những quy định mới, bây giờ hình thức mua nợ của VAMC sẽ chuyển sang “mua nợ thật, trả tiền thật”.

Tuy nhiên theo chuyên gia kinh tế - tài chính T.S Nguyễn Trí Hiếu, VAMC muốn trả tiền thật cho các khoản nợ xấu đã mua thì việc nâng vốn điều lệ cho VAMC từ 500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng e rằng sẽ không thể đủ để có thể mua được hết số nợ xấu “khủng” tại các tổ chức tín dụng.

VAMC vẫn chỉ là “người trung chuyển nợ”?
VAMC vẫn chỉ là “người trung chuyển nợ”?

Cũng theo T.S Hiếu, dù rằng Nghị định 34 được ban hành đã trao thêm quyền cho VAMC trong điều kiện xử lý, mua bán nợ xấu. Tuy nhiên nếu như những quy định pháp lý vẫn bị bỏ ngỏ, chưa hoàn thiện, thì VAMC sẽ vẫn chỉ đóng vai trò là “người trung chuyển nợ” chứ không thể là bộ máy giải quyết nợ xấu tận gốc như mục tiêu đề ra.

Thực tế có thể thấy rằng Nghị định lần này mới chỉ quy định nâng vốn cho VAMC và cho VAMC quyền phát hành trái phiếu để mua nợ theo thị trường, nhưng những quy định pháp luật để hoàn thiện, tạo ra môi trường thuận lợi cho vấn đề mua nợ, đặc biệt là vấn đề thanh lý tài sản đảm bảo… vẫn bỏ ngỏ.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng mặc dù Nghị định 34 thực sự là một bước mở lớn để giúp VAMC mua nợ xấu tốt hơn, tuy nhiên để có thể mua nợ thành công VAMC vẫn còn nhiều trở ngại. Bởi việc định giá khoản nợ thỏa mãn được mong muốn các bên vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn tính tới thời điểm này. Ngoài ra để có thể mua bán nợ theo giá thị trường được thì cần phải tồn tại một thị trường mua bán nợ thực sự với sự tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân.

Anh Công (TH theo Infonet; TBTCVN; ĐTCK)

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục