Việc xử lý nợ xấu cần tuân thủ các giải pháp thị trường chứ không đơn thuần chỉ dựa vào Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) bằng các thủ thuật để chuyển nợ.
Phung phí cơ hội
Theo ông Nguyễn Khắc Hải, Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI, việc xử lý nợ xấu hiện nay đang phụ thuộc quá nhiều vào VAMC và đang bị bó buộc bởi nhiều quy định pháp luật khiến cho mọi việc “giậm chân” tại chỗ.
Đơn cử, SSI nhìn thấy rất nhiều cơ hội từ thị trường mua bán nợ cũng như nhận được rất nhiều lời đề nghị hợp tác của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, theo ông Hải, các quy định của Nhà nước chỉ cho phép quỹ đầu tư tham gia vào chứng khoán và một số tài sản khác mà chưa có quy định kinh doanh mua bán nợ.
Một điểm nghẽn khác liên quan đến việc nhà đầu tư nước ngoài khi muốn tham gia vào thị trường mua bán nợ phải xin giấy phép mua tài sản đảm bảo. Hầu hết tài sản đảm bảo cho các khoản nợ xấu đều là bất động sản, nhưng người nước ngoài lại không được phép đứng tên sở hữu bất động sản trong quá nhiều trường hợp.
Theo góc nhìn của mình, ông Hải cho rằng, Việt Nam chưa có thị trường mua bán nợ mà chỉ mới gói gọn trong các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc các tổ chức tín dụng (AMC), công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính (DATC) và VAMC. Thế nhưng, các AMC chủ yếu xử lý nợ cho các ngân hàng mẹ mà không mua bán nợ bên ngoài. Còn DATC, sau 10 năm hoạt động chỉ mới mua hơn 10.000 tỷ đồng nợ xấu. VAMC thì vẫn đang phải chứng minh hiệu quả thực tế.
“Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là đầu ra cho các khoản nợ xấu của DATC và VAMC phải xử lý thế nào, bán cho ai và ai có thể tham gia mua”? Ông Hải đặt câu hỏi.
Hiện cũng đã có Nghị định 53/2013 về tổ chức, hoạt động của VAMC cho phép bán nợ cho các tổ chức, cá nhân hay Thông tư 69 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn quy định về việc mua bán nợ giữa các tổ chức tín dụng có quy định bên mua nợ là các tổ chức trong và ngoài nước.
Theo ông Hải, có quy định mua nợ nhưng bán nợ lại đang bị vướng ở quy định hệ thống ngành nghề không được cấp phép ngành nghề kinh doanh mua bán nợ. Mua vào thì phải bán ra. Mua mà không có bán thì không thể hình thành kinh doanh mua bán nợ. Do đó, không thể khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia thị trường này.
Ông Darryl James Dong, đại diện Công ty Tài chính Quốc tế IFC, một thành viên của World Bank cho rằng, VAMC là một khởi đầu tốt cho việc xử lý nợ xấu, nhưng chưa đủ, cần phải có bước đi mạnh mẽ hơn. Muốn thu hút nhà đầu tư mua bán nợ xấu thì chính sách, pháp luật phải rõ ràng, minh bạch chi tiết các quy trình xử lý nợ.
VAMC có như không!
Theo công bố của VAMC, đến tháng 8/2014, VAMC đã mua được hơn 50.000 tỷ đồng nợ xấu từ các ngân hàng, thế nhưng việc xử lý nợ xấu chỉ vài phần trăm. Điều đó cho thấy, VAMC đang là công cụ để cất giấu nợ tạm thời cho các tổ chức tín dụng. Sự dè dặt của VAMC trong việc xử lý nợ xấu có thể hiểu được khi chính VAMC cũng bị ràng buộc bởi nhiều chính sách chặt chẽ với mục đích thu hồi được giá trị tài sản.
Theo ông Cấn Văn Lực, cố vấn cấp cao của Ngân hàng BIDV, hiện nay, ngân hàng bán nợ xấu cho VAMC đã chịu 2 khoản lỗ. Đó là chịu lỗ 30% vì bán nợ xấu ở mức 70% giá trị sổ sách và thứ hai là trích lập dự phòng 20% hàng năm sau khi bán nợ cho VAMC. Thế nhưng VAMC lại chưa có cơ chế đánh giá lại các khoản nợ nên không tự tin bán nợ theo giá thị trường hợp lý.
Ông Darryl James Dong nhìn nhận, khác với các nước trong vấn đề xử lý nợ xấu, Việt Nam lại không xác định rõ người gánh chịu lỗ, trong khi ở các nước thì chính phủ hoặc ngân hàng phải chịu phần lỗ này. Do không xác định rõ ràng nên Việt Nam chưa chấp nhận bán nợ xấu theo giá thị trường.
Dưới góc nhìn của một nhà đầu tư chuyên nghiệp, TS Alan Phan cho rằng: “VAMC mua nợ xấu của ngân hàng ở mức 70% giá trị sổ sách. Điều đó đồng nghĩa với việc đang đánh đồng các khoản nợ của ngân hàng mà không có sự phân loại. Kinh nghiệm cho thấy, có những khoản nợ xấu nhưng đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư thì họ có thể mua bằng giá hoặc nhỉnh hơn, còn khoản nợ “quá xấu” thì phải chấp nhận bán với nửa giá, 30% hoặc thậm chí 10%. Với giá trị tài sản hợp lý thì nhà đầu tư sẽ tham gia xử lý hết nợ xấu”.
Theo các chuyên gia, cần giải quyết điểm nghẽn cho VAMC trong quá trình xử lý nợ xấu, đó là tăng quyền lực giải quyết tài sản đảm bảo cho tổ chức này. Hiện nay, mỗi lần phát mại tài sản VAMC đều phải xin ý kiến từ các cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến quá trình xử lý tài sản rất lâu, bỏ qua nhiều cơ hội. Có một tin tốt là Chính phủ đang cố gắng khai thông thị trường bất động sản, tạo điều kiện cho việc mua bán lại dự án dang dở. Trong tháng 7 vừa qua, đã có sự phối hợp liên ngành giữa Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ngân hàng Nhà nước về việc tăng thêm quyền chủ động cho chủ nợ xử lý tài sản đảm bảo nhanh hơn. Cụ thể là, nếu con nợ không hợp tác khi bán tài sản phát mại, không chịu ký giấy chuyển quyền sở hữu, Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn có thể sang tên.
Và cuối cùng, ông Lực cho rằng, bên cạnh việc xem VAMC là một trong những công cụ để xử lý nợ xấu, cần kết hợp các giải pháp như: trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu (điều này các ngân hàng đang làm và từ đầu năm 2014 đến nay đã xử lý được khoảng 33.000 tỷ đồng); doanh nghiệp phải giảm giá hàng hóa để giải quyết hàng tồn kho; thiết lập chợ mua bán nợ xấu, cho phép chuyển đổi các khoản nợ thành cổ phiếu…
Theo Tạp chí Doanh nhân