Nhiều năm kinh doanh đi xuống, Đông Á rơi vào diện kiểm soát đặc biệt
Vào giai đoạn cuối năm 2014, đầu năm 2015 đã có 4 ngân hàng nằm trong diện kiểm soát đặc biệt của NHNN và NHNN đã phải cử người từ những ngân hàng lớn sang để điều hành và duy trì hoạt động quản trị ngân hàng.
Bốn cái tên thuộc diện kiểm soát đặc biệt thời điểm đó là Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB), Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank).
Khi một ngân hàng bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt thì thông tin kiểm soát đặc biệt sẽ được công bố chính thức. Thế nhưng tại thời điểm đó, trong khi hai ngân hàng là VNCB, OceanBank công bố thông tin về việc bị kiểm soát đặc biệt tại ĐHĐCĐ thường niên thì với GPBank thông tin lại được công bố trong ĐHĐCĐ bất thường khi mà HĐQT GPBank tổ chức họp bàn chuyện tăng vốn. Còn DongABank, phải tới ngày 14/8/2015, NHNN mới chính thức ra thông cáo về việc đặt diện kiểm soát đặc biệt với ngân hàng này.
Trước khi bị đặt diệm kiểm soát đặc biệt, DongABank đang trải qua thời kỳ kinh doanh khá u ám khi mà thu nhập lãi thuần ngân hàng giảm dần theo từng năm. Nếu như năm 2012, thu nhập lãi thuần của DongABank vẫn còn đạt 2.494 tỷ đồng; thì năm 2013, con số này đã giảm xuống 2.228 tỷ đồng; và năm 2014, năm đánh dấu DongABank đã đi xuống “đáy vực” thu nhập lãi thuần ngân hàng chỉ còn 1.483 tỷ đồng.
Thu nhập lãi thuần DongABank năm 2014 thấp là do tỷ lệ cho vay/huy động vốn của DongABank chỉ vào khoảng 65,7%, và phần lớn là khoản vay ngắn hạn nên lãi suất cũng không quá cao. Cụ thể, chỉ số cho vay khách hàng của DongABank là 51.850 tỷ đồng, trong khi chỉ số huy động vốn lên tới 77.417 tỷ đồng. Trước đó, có nhiều suy đoán cho rằng, DongABank đã dùng số tiền thừa từ huy động vốn để đi đầu tư vào bất động sản nhưng sau đó thị trường bất động sản bị đóng băng khiến cho thanh khoản của DongABank cũng đóng băng theo, có ý kiến cho rằng DongABank dùng tiền đó để đi kinh doanh vàng, thể hiện rõ nhất là việc được CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) hậu thuẫn thế nhưng kết quả vẫn là thua lỗ.
Rõ ràng nếu nhìn vào báo cáo tài chính của DongABank có thể thấy được, năm 2012, DongABank ghi nhận khoản lỗ tới gần 200 tỷ đồng ở hai mảng kinh doanh ngoại hối và vàng, với mảng mua bán chứng khoán kinh doanh. Thời điểm này thì các hoạt động khác của Đông Á vẫn đủ kéo hai mảng kinh doanh thua lỗ này để báo lãi dương, đạt 777 tỷ đồng, những cũng giảm gần 40% so với năm 2011. Đến năm 2013, lại đến hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư báo lỗ hơn 82 tỷ đồng, và đầu tư góp vốn mua cổ phần cũng báo lỗ gần 83 tỷ đồng, và 1 lần nữa, những khoản lỗ từ việc kinh doanh ngoài ngành lại bào mòn lợi nhuận của ngân hàng, hết kỳ lãi trước thuế DongABank chỉ còn 430 tỷ đồng. Đến hết năm 2014, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh trước khi trích lập chi phí dự phòng của DongABank chỉ còn 602 tỷ đồng, giảm tới hơn 2,5 lần so với 3 năm trước. Lãi trước thuế ngân hàng cũng tụt đáy chỉ còn hơn 35 tỷ đồng, chỉ 3 năm trước khoản này vẫn là con số 1.256 tỷ đồng.
Chính những kết quả kinh doanh bết bát, cùng với việc kết quả thanh tra cho thấy, trong giai đoạn từ 2012 trở về trước, DongABank đã có nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính và hoạt động của ngân hàng đã buộc NHNN phải đặt DongABank vào diện kiểm soát đặc biệt.
Tương lai nào cho Đông Á?
Trong số 4 cái tên mà NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt giai đoạn cuối năm 2014, đầu năm 2015 thì cho tới hiện nay chỉ còn một mình DongABank là đang vật lộn tái cơ cấu, còn lại 3 cái tên là VNCB, OceanBank và GPBank đều đã về chung một mái nhà NHNN với cái giá 0 đồng.
Trước khi bị mua lại với giá 0 đồng, VNCB đã tiến hành tự tái cơ cấu nhưng sau đó lại rơi vào tay vị Chủ tịch Phạm Công Danh, người mà mới đây đã bị kết án 30 năm tù về tội cố ý làm trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng lên tới hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước. Trong khi OceanBank cũng tương tự khi mà nguyên Chủ tịch Hà Văn Thắm cũng vướng vòng lao lý. GPBank được Vietinbank cử người sang điều hành quản lý nhưng cũng không khá hơn và nhiều khả năng sẽ sớm sáp nhập vào Vietinbank.
Ba trong số 4 ngân hàng bị đặt diện kiểm soát đặc biệt đã có tương lai, vậy còn Đông Á sẽ ra sao.
Thời gian gần đây, Đông Á liên tục dính vào những sự vụ lùm xùm liên quan tới lãnh đạo cấp cao của ngân hàng, và ngân hàng đã phải thanh lọc rất nhiều cán bộ trong ban quản trị ngân hàng, thế nhưng điều đó cộng với sự giúp đỡ từ BIDV dường như cũng không khiến tình hình Đông Á khá hơn.
Cụ thể, một cổ đông có khoản đầu tư gần 400 tỷ tại Đông Á là PNJ, phải liên tục tăng thêm trích lập dự phòng cho khoản đầu tư vào Đông Á. Đầu năm 2016, PNJ trích lập dự phòng cho khoản đầu tư này là 310 tỷ đồng, thì bước sang quý 2, PNJ đã phải trích lập thêm 85 tỷ đồng nữa, qua đó chính thức trích lập dự phòng rủi ro với tỷ lệ 100% khoản đầu tư tại Đông Á, với giá trị là 395 tỷ đồng.
Một động thái tương tự ở Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cũng đang phải gánh hơn trăm tỷ trích lập dự phòng cho khoản đầu tư tại Đông Á. Dù Sabeco có muốn hay không việc thoái vốn khỏi Đông Á thì việc đó cũng là bất khả thi khi mà Đông Á vẫn đang bị đặt diện kiểm soát đặc biệt của NHNN. Cùng với đó là những khó khăn trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng đang gặp phải.
Theo báo cáo tài chính mới công bố thì Sabeco đang phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư tại Đông Á lên tới gần 111,5 tỷ đồng, trong khi giá trị khoản đầu tư mà Sabeco đổ vào Đông Á ban đầu là 136,3 tỷ đồng.
Liệu trong tương lại Đông Á sẽ vượt vũ môn như cái cách là TPBank đã tự tái cơ cấu và thành công hay sẽ giống như 3 cái tên cùng bị đặt diện kiểm soát đặc biệt là về chung một mái nhà NHNN, điều đó vẫn chưa thể nói trước. Thế nhưng hiện tại với việc các cổ đông lần lượt trích lập dự phòng với khoản đầu tư tại Đông Á lên tới 100% như PNJ và hơn 80% như Sabeco, thì phần nào đã thấy được hiện trạng của Đông Á.
Quang Thắng