Trong vòng một thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính cách đây hơn 10 năm, tử huyệt của nền kinh tế thế giới là tiêu dùng yếu. Các hộ gia đình ưu tiên trả nợ còn giới doanh nghiệp tỏ ra thận trọng khi đầu tư.
Giờ đây chi tiêu đã phục hồi mạnh nhờ các chương trình kích thích kinh tế và người tiêu dùng mạnh tay mua sắm. Tuy nhiên, lần này nhu cầu tăng mạnh đến mức nguồn cung đang phải vật lộn để theo kịp. Doanh nghiệp thưởng tiền cho những tài xế sẵn sàng làm việc cho họ. Các tàu hàng chen chúc neo đậu ngoài khơi California chờ thông quan. Giá năng lượng tăng theo hình xoắn ốc. Lạm phát khiến nhà đầu tư lo sợ và khác với những năm 2010, thế giới đang bước vào một "nền kinh tế thiếu hụt".
Đại dịch COVID-19 gây nên tình trạng thiếu hàng hóa toàn cầu. Tổng giá trị các gói kích thích trên toàn cầu vào khoảng 10.400 tỷ USD, giúp kinh tế thế giới phục hồi mạnh mẽ nhưng lại không ổn định. Người tiêu dùng đang chi tiêu nhiều hơn vào hàng hóa so với mức bình thường, gây căng thẳng lên chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đã không nhận được dòng vốn đầu tư để mở rộng trong các năm qua.
Nhu cầu đồ điện tử bùng nổ trong thời kỳ đại dịch nhưng tình trạng thiếu vi mạch đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất công nghiệp ở một số nền kinh tế xuất khẩu như đảo Đài Loan. Sự lan rộng của biến thể Delta đã khiến các nhà máy sản xuất quần áo ở các khu vực châu Á phải đóng cửa.
Vì dịch bệnh, dòng di cư của người giàu trên thế giới giảm, các khoản tiền kích thích chất đầy trong ngân hàng song tình trạng thiếu nhân lực lao động vẫn chưa chấm dứt. Từ Brooklyn đến Brisbane, các nhà tuyển dụng đang nỗ lực điên cuồng để tuyển người.
Hai nguyên nhân hàng đầu
Tình trạng thiếu hụt của kinh tế thế giới đang tồn tại bởi hai vấn đề. Nguyên nhân đầu tiên là nỗ lực khử carbon, dẫn đến sức ép về nguồn cung năng lượng. Sự chuyển đổi từ than đá sang năng lượng tái tạo đã khiến châu Âu, và đặc biệt là Anh, dễ lao đao bởi khủng hoảng về nguồn cung khí đốt tự nhiên. Giá khí đốt giao ngay từng tăng hơn 60% trong tuần.
Giá carbon tăng trong kế hoạch buôn bán khí thải của Liên minh châu Âu đã khiến việc sử dụng các dạng năng lượng bẩn trở nên khó khăn. Trong khi, các vùng của Trung Quốc đã phải đối mặt với việc cắt điện vì nhằm đạt được các mục tiêu nghiêm ngặt về môi trường. Giá cả đắt đỏ trong việc vận chuyển và các thành phần công nghệ đang làm tăng chi tiêu vốn để mở rộng công suất. Nhưng khi thế giới đang cố gắng loại bỏ các dạng năng lượng bẩn, động cơ đầu tư lâu dài vào ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch sẽ yếu đi.
Chủ nghĩa bảo hộ là nguyên nhân thứ hai. Theo The Economist, chính sách thương mại không còn phục vụ mục tiêu hiệu quả kinh tế, mà nhằm theo đuổi một loạt các ý định khác, từ việc áp đặt các tiêu chuẩn về lao động và môi trường ở nước ngoài, đến trừng phạt các đối thủ địa chính trị.
Mấy hôm trước, chính quyền của Tổng thống Joe Biden xác nhận rằng họ sẽ giữ thuế ở mức trung bình 19% mà tổng thống tiền nhiệm Donald Trump đã áp đối với Trung Quốc. Trên khắp thế giới, chủ nghĩa dân tộc kinh tế đang góp phần vào nền kinh tế thiếu hụt. Tình trạng thiếu tài xế xe tải của Anh đã trở nên trầm trọng hơn do Brexit. Ấn Độ thiếu than một phần do nỗ lực giảm nhập khẩu nhiên liệu. Sau nhiều năm căng thẳng thương mại, dòng vốn đầu tư xuyên biên giới của các công ty đã giảm hơn một nửa so với GDP thế giới, kể từ năm 2015.
Tình hình hiện nay gợi nhớ một cách kỳ lạ về những năm 1970, khi nhiều nơi phải đối mặt với tình trạng xếp hàng mua xăng, giá cả tăng hai con số và tăng trưởng chậm chạp. Nhưng sự giống nhau chỉ dừng ở đó. Nửa thế kỷ trước, các chính trị gia đã mắc sai lầm nghiêm trọng trong chính sách kinh tế, chống lạm phát bằng các biện pháp vô ích như kiểm soát giá và chiến dịch "Hãy đánh bại lạm phát ngay bây giờ" (Whip Inflation Now) của Gerald Ford, khuyến khích mọi người tự trồng rau.
Bức tranh hiện tại rất khác biệt. Cục Dự trữ Liên bang đang tranh luận về cách dự báo lạm phát, nhưng có sự đồng thuận rằng các ngân hàng trung ương có quyền và nhiệm vụ kiểm soát nó. Khả năng lạm phát ngoài tầm kiểm soát dường như khó xảy ra. Giá năng lượng sẽ giảm sau mùa đông. Trong năm tới, sự phổ biến của vaccine và các phương pháp điều trị mới cho Covid-19 sẽ giảm bớt sự gián đoạn kinh tế. Người tiêu dùng có thể chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ.
Ở Mỹ, kích thích tài khóa sẽ giảm vào năm 2022, với dấu hiệu cho thấy ông Biden đang vật lộn để lưỡng viện thông qua các dự luật chi tiêu khổng lồ. Anh xem xét khả năng tăng thuế. Chấn động ở thị trường bất động sản Trung Quốc cho thấy nhu cầu nhà ở có thể giảm, quay về với những năm ế ẩm của 2010. Dòng tiền đầu tư sẽ hướng đến những ngành đạt năng suất cao.
Mọi yếu tố thúc đẩy nền kinh tế thiếu hụt sẽ không biến mất và các chính trị gia có thể dễ dàng ra những quyết sách sai lầm. Một ngày nào đó, các công nghệ như hydro sẽ giúp năng lượng xanh trở nên đáng tin cậy hơn. Nhưng nó vẫn chưa thể giải quyết thiếu hụt năng lượng ngay lúc này.
Khi chi phí nhiên liệu và điện tăng, có thể dẫn đến tác động dữ dội. Nếu các chính phủ không đảm bảo rằng họ có đầy đủ các lựa chọn năng lượng xanh thay thế cho nhiên liệu hóa thạch, rất có thể họ phải đáp ứng tình trạng thiếu hụt bằng cách nới lỏng các mục tiêu phát thải và quay trở lại các nguồn năng lượng bẩn hơn.
Vấn nạn thiếu hàng hóa cũng có thể củng cố sức hấp dẫn của chủ nghĩa bảo hộ và sự can thiệp của nhà nước. Nhiều cử tri các nước phương Tây đổ lỗi cho các kệ trống trong siêu thị và khủng hoảng năng lượng lên đầu chính phủ. Các chính trị gia có thể trốn tránh trách nhiệm bằng cách xua đuổi những người nước ngoài hay thay đổi và chuỗi cung ứng mỏng manh, và đưa ra lời hứa hão huyền về việc tăng cường khả năng tự lực.
Anh đã viện trợ cho một nhà máy phân bón để duy trì nguồn cung cấp khí cacbonic, một nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp thực phẩm. Chính phủ đang cố gắng khẳng định rằng tình trạng thiếu hụt lao động là tốt, vì chúng sẽ làm tăng mức lương và năng suất trên toàn nền kinh tế. Trên thực tế, việc đặt ra các rào cản với di cư và thương mại nói chung sẽ khiến cả hai điều này đều giảm.
Sau hết, nguy cơ hiện nay là căng thẳng trong nền kinh tế có thể dẫn đến thoái trào của quá trình khử cacbon và toàn cầu hóa, dẫn đến những hậu quả lâu dài tàn khốc. Đó là mối đe dọa thực sự do nền kinh tế thiếu hụt gây ra.
Do đó, các chính phủ sẽ phải lập kế hoạch cẩn thận để đối phó với chi phí năng lượng cao hơn và tốc độ tăng trưởng chậm hơn do các mục tiêu cắt giảm khí thải. Kỳ vọng rằng quá trình khử cacbon sẽ dẫn đến một sự bùng nổ kinh tế thần kỳ nhất định sẽ dẫn đến thất vọng.