Gói tín dụng 250.000 và 30.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng dịch Covid-19
Theo thống kê của NHNN, ước tính có khoảng 926.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của 23 ngân hàng thương mại thực hiện báo cáo với NHNN và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống.
Giữa dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, Thủ tướng chính phủ mới đây vừa ban hành Chỉ thị 11 với những giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh nhằm thực hiện nhiệm vụ vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội. Do đó, chính phủ đã chính thức triển khai về hai gói tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ tài khoá như hoãn, giãn về tài chính ít nhất gần 30.000 tỷ đồng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại.
Gói hỗ trợ tín dụng này hoàn toàn do các ngân hàng tự cân đối nguồn, tuyệt đối không dùng nguồn ngân sách nhà nước. Mức lãi suất sẽ tùy thuộc vào tình hình cụ thể của khách hàng và đơn vị bị ảnh hưởng để căn cứ, không có mức cố định.
Hiện nhiều ngân hàng thương mại đã và đang triển khai gói tín dụng ưu đãi để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh, giảm lãi suất từ 0,5 đến 1% so với mặt bằng trên thị trường.
Ảnh minh họa
Cụ thể, BIDV đăng ký hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, Agribank 100 tỷ đồng, MB 35.000 tỷ đồng, ACB 15.000 tỷ đồng. Các ngân hàng như Vietcombank, Vietinbank cũng đã có các biện pháp hỗ trợ ban đầu hiệu quả, đang tiến hành bổ sung các gói cụ thể.
Sacombank triển khai gói tín dụng 10 nghìn tỷ đồng với lãi suất giảm tới 2%/năm dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vay phục vụ sản xuất - kinh doanh.
Eximbank cũng dành 4.000 tỷ đồng cho DN nhỏ và vừa vay ưu đãi với lãi suất từ 6,99%/năm, đồng thời sẽ triển khai gói tín dụng khoảng 3.000 tỷ đồng lãi suất từ 5,5%/năm cho DN lớn. KienLongBank giảm lãi suất cho vay lên đến 3% một năm với các khách hàng hiện hữu có mục đích vay để trồng các loại trái cây như thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, xoài... đã nhận cấp vốn tín dụng thời gian qua...
SHB triển khai gói tín dụng 3.000 tỷ đồng hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ngân hàng này đã tiến hành kiểm tra, rà soát từng khách hàng đang gặp khó khăn để đưa ra phương án hỗ trợ phù hợp.
Trên cơ sở đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh thực tế của khách hàng, SHB sẽ giảm lãi suất cho vay mới tới 1,5%/năm khoản vay bằng VNĐ và 0,5%/năm khoản vay bằng USD; điều chỉnh giảm lãi khoản vay hiện hữu.
ACB mới tung ra gói tín dụng ưu đãi quy mô 25.000 tỷ đồng từ nay đến 30/6 để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó 13.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân và 12 nghìn tỷ đồng cho khách hàng DN nhỏ và vừa (SME).
Doanh nghiệp sẽ được tiếp cận ngay với các gói hỗ trợ này?
Khi giảm lãi suất, phí, tái cấu trúc lại các khoản vay của doanh nghiệp phía các ngân hàng thương mại còn phải phụ thuộc nhiều vào thị trường, điều này chính phủ cũng khó can thiệp sâu vào.
Do đó, việc tham gia các gói tín dụng đòi hỏi các ngân hàng phải chuẩn bị cân đối về khả năng thanh khoản, khả năng thanh toán, các cân đối về tài chính của mình, về những rủi ro đi kèm với việc tái cấu trúc khoản vay, đặc biệt là sức bền của mình trong việc tham gia các gói hỗ trợ này và mức độ tham gia hỗ trợ.
Doanh nghiệp được tiếp nhận các gói hỗ trợ nhanh hay chậm phần lớn phụ thuộc nhiều vào các tính toán và quyết định của các ngân hàng thương mại. Có thể, một phần của gói 30.000 tỷ đồng và 250.000 tỷ đồng sẽ mang lại lợi ích ngay cho các doanh nghiệp do nhiều nhà băng triển khai thực hiện ngay vì họ đã chuẩn bị sớm về mọi mặt. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng đều ở vị trí sẵn sàng.
Hà Phương (T/H)