Reuters dẫn thông báo từ Ngân hàng Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc cho biết, quỹ đầu tư Trung Quốc - Trung Đông Âu đã được thành lập và sẽ do một công ty con của ngân hàng này là Sino-CEE Financial Holdings quản lý.
Thủ tướng Latvia Maris Kucinskis bắt tay Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại cuộc gặp giữa lãnh đạo Trung Quốc với các nước Trung và Đông Âu ở Riga (Latvia) hôm 5.11. Ảnh: Reuters
Quỹ đầu tư trên đặt mục tiêu quyên góp 50 tỷ euro tài trợ dự án cho các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, sản xuất công nghệ cao và hàng tiêu dùng. Trong khi hướng mục tiêu về Trung và Đông Âu, quỹ có thể mở rộng ra phần còn lại của châu lục và các khu vực khác nếu có liên quan đến hợp tác Trung Quốc - Trung và Đông Âu.
Quỹ trên được chính phủ hậu thuẫn song sẽ hoạt động theo nguyên tắc kinh doanh, được định hướng bởi thị trường. Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Trung Quốc và Fosun Group cũng tham gia quản lý quỹ.
Trung và Đông Âu là một phần trong chiến lược “Con đường tơ lụa” thời hiện đại của Trung Quốc, nơi Bắc Kinh hy vọng có thể mở rộng hoạt động sang các thị trường xuất khẩu mới trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang chững lại.
Động thái trên của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Đức, nền kinh tế thuộc hàng top châu Âu, có nhiều lời kêu gọi hạn chế đầu tư từ Trung Quốc trong một số lĩnh vực.
Mới đây, Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel đã phải lên tiếng kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) áp dụng cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc vì lo ngại Bắc Kinh đang dần nắm được “các công nghệ quan trọng chiến lược” của phương Tây.
Việc Trung Quốc muốn thâu tóm các doanh nghiệp châu Âu là một xu hướng đã diễn ra từ hàng năm nay, nhưng càng ngày càng vấp phải nhiều trở ngại từ các nước châu Âu. Trước làn sóng thâu tóm ào ạt, các nước châu Âu đã bắt đầu xem xét lại những ưu ái dành cho Trung Quốc.
Trâm Anh