Trúng gói thầu lớn nhất tại sân bay Long Thành, mỗi nhà thầu có thể thu lãi bao nhiêu?

Gói thầu 5.10 của sân bay Long Thành tương ứng với một khối lượng đơn đặt hàng tồn đọng khá hấp dẫn. Mỗi công ty sẽ thu lãi “khủng” nếu trúng gói thầu này.

Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) dự kiến khởi công gói thầu 5.10 của dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành (LTA) vào tháng 8/2023. Đây là gói thầu lớn nhất của LTA giai đoạn 1 với giá trị 1.5 tỷ USD.

Hiện đã có 3 liên danh tham gia nộp hồ sơ đấu thầu. Cả 3 liên danh đều có kinh nghiệm về cơ sở hạ tầng và xây dựng các sân bay quốc tế lớn.

3 liên danh tham gia đấu thầu dự án gói thầu 5.10. Ảnh: Đầu tư chứng khoán
3 liên danh tham gia đấu thầu dự án gói thầu 5.10. Ảnh: Đầu tư chứng khoán

Cụ thể, liên danh Hoa Lư gồm một số công ty xây dựng hàng đầu trong nước như Coteccons, Xây dựng Hòa Bình, Delta và Unicons, Powerline Engineering PCL từ Thái Lan.

Liên danh Nhà thầu CHEC-BCEG-Việt Nam do 2 nhà thầu xây dựng hàng đầu Trung Quốc đứng đầu.

Còn VIETUR được dẫn dắt bởi IC Istas - nhà thầu top 3 của Thổ Nhĩ Kỳ với kinh nghiệm tại các sân bay quốc tế lớn.

Trên thị trường những ngày gần đây xuất hiện những thông tin đồn đoán về bên trúng thầu gói 5.10. Điều này đẩy giá cổ phiếu nhóm công ty liên danh VIETUR tăng kịch trần. Tuy nhiên, theo báo Đầu tư Chứng khoán, 1 đại diện trong liên danh VIETUR cho biết vẫn chưa có kết quả cuối cùng gói thầu 5.10.

Theo đánh giá từ Chứng khoán VietCap (VCSC), gói thầu 5.10 của Sân bay Quốc tế Long Thành tương ứng một khối lượng đơn đặt hàng tồn đọng (backlog) khá hấp dẫn, tương đương với 126% tổng giá trị hợp đồng ký mới hàng năm của Coteccons và Xây dựng Hòa Bình trong giai đoạn từ năm 2019 - 2022.

VCSC ước tính tổng lợi nhuận tối đa cho 1 nhà thầu tham gia gói 5.10 sẽ rơi vào khoảng 525 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này là tương đối lớn so với lãi ròng trung bình hàng năm giai đoạn 2019 - 2022 của Coteccons (264 tỷ đồng), Xây dựng Hòa Bình (lỗ ròng 133 tỷ đồng) và Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (866 tỷ đồng).

Tuy nhiên, do thời gian xây dựng ước tính cho Sân bay Long Thành giai đoạn 1 là 39 tháng (tương đương với thời gian hoàn thành ước tính vào cuối năm 2026 hoặc giữa năm 2027, tùy thuộc vào ngày khởi công xây dựng thực tế), tổng lợi nhuận ước tính trên sẽ được ghi nhận trong khoảng thời gian từ 3 năm đến 3,5 năm, theo báo Lao động.

Ngoài các công ty xây dựng, dự án sân bay Long Thành cũng mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp vận hành mỏ đá xây dựng ở tỉnh Đồng Nai.

Theo ước tính của CTCK Vietcap, dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ tiêu thụ 18 triệu m3 đá xây dựng - tương đương sản lượng hàng năm của Đồng Nai trong giai đoạn 2020-2022. Đây sẽ là cú huých cho các công ty có mỏ đá ở Đồng Nai như CTCP Hóa An và Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa.

Trong khi đó, CTCK Vietcap đánh giá các ngành khác chưa hưởng lợi đáng kể từ dự án này.

“Chúng tôi ước tính LTA giai đoạn 1 sẽ tiêu thụ khoảng 100,000 tấn thép, 1 triệu tấn xi măng, 50,000 m2 tấm gỗ, 500,000 m2 đá ốp lát. Những con số này tuy đáng kể nhưng không quá lớn so với doanh số bán hàng của Tập đoàn Hòa Phát, VICEM Hà Tiên, CTCP Gỗ An Cường và CTCP Phú Tài”.

Với ngành hàng không, các chuyên viên phân tích cho rằng phải đến năm 2027, nhóm cổ phiếu này mới hưởng lợi từ sân bay Long Thành.

"Công suất mới của LTA và việc giảm ùn tắc tại Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ mang lại lợi ích cho các hãng hàng không và ACV trong dài hạn. Tuy nhiên, trong trung hạn, ACV phải đối mặt với dòng tiền đầu tư lớn và tỷ lệ đòn bẩy cao hơn, ảnh hưởng đến thu nhập tài chính thuần trong giai đoạn 2024-2026”, các chuyên viên phân tích tại Vietcap đánh giá.

Vân Anh (T/h)

Đời sống & Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục