Triển vọng kinh tế Việt Nam 2017 với nhiều "gam màu" sáng

(Kinhdoanhnet) - Đón năm mới 2017, kinh tế Việt Nam bước vào thời kỳ phát triển mới với kỳ vọng sẽ có nhiều khởi sắc. Nhiều tổ chức và các chuyên gia đã có những dự báo với nhiều kịch bản khác nhau, nhưng xuyên suốt đều cho thấy một bức tranh kinh tế với nhiều “gam màu” sáng hơn.

Nhiều tín hiệu tốt cùng với sự nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ trong cải cách môi trường kinh doanh đang tạo thêm động lực mới cho doanh nghiệp và tạo đà mới cho tăng trưởng trong năm 2017.

Sự cải thiện của nhiều nền kinh tế trên thế giới như Hoa Kỳ, các nước có nhập khẩu dầu, cùng với diễn biến mới nhất về tình hình đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp ngoại là một tín hiệu tốt cho triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2017. 

Triển vọng kinh tế Việt Nam 2017 với nhiều "gam màu" sáng - Ảnh 1
Kinh tế Việt Nam 2017 được dự báo có nhiều triển vọng sáng hơn 2016. (Ảnh minh họa: KT)


Bên cạnh đó, tiến trình tái cơ cấu kinh tế và cải cách thể chế thông thoáng hơn giúp cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia và tăng khả năng thu hút đầu tư... tạo thêm sự kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều khởi sắc.

Nhờ vào những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, đa số các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế dự báo kinh tế Việt Nam năm 2017 tích cực hơn năm 2016. 

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia NFSC cho rằng tăng trưởng kinh tế sẽ được cải thiện khá nhờ cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, giá năng lượng và nông sản thế giới được dự báo phục hồi, tạo xung lực mới cho khu vực tư nhân. Khu vực này sẽ trở thành động lực chính của năm 2017. Chính vì vậy, tăng trưởng kinh tế năm 2017 có khả năng đạt mức 6,7%.

Báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam do khối nghiên cứu của Ngân hàng HSBC dự báo, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2017 gồm: Quý I tăng 6,3%; Quý II tăng 6,4%; Quý III tăng 6,7%, Quý IV tăng 6,8%. Đồng thời, lạm phát có thể sẽ dao động từ 4,4% đến 4,8% trong mỗi quý.

Trong khi đó, WB và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự đoán tăng trưởng của Việt Nam đạt 6,3%; IMF cho rằng Việt Nam chỉ có thể đạt 6,2%.

Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, trong năm 2017, Chính phủ cần ưu tiên hành động tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. Thứ nhất là quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đầy đủ, đúng mục tiêu mà Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đặt ra.

Thứ hai là, cần rà soát một cách tổng thể mạnh mẽ, quyết liệt các điều kiện kinh doanh để tiếp tục bãi bỏ triệt để những điều kiện kinh doanh không cần thiết, làm hạn chế sự gia nhập thị trường, hạn chế sự phát triển của DN, hạn chế sự sáng tạo và làm gia tăng chi phí cho hoạt động kinh doanh của DN.

Thứ ba là, các bộ, ngành, địa phương phải chủ động tích cực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, chứ không để như năm 2016 - chỉ làm khi có chỉ đạo trong việc thực hiện triển khai Nghị quyết 19 và rà soát các điều kiện kinh doanh. Các bộ, ngành phải luôn ý thức thực hiện mục tiêu giảm thời gian, giảm chi phí và giảm rủi ro cho hoạt động kinh doanh.

Thứ tư là chú trọng, nâng cao tính kỷ luật hành chính trong việc thực thi các nhiệm vụ Chính phủ giao, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Thậm chí, kêu gọi văn hóa từ chức trong trường hợp người đứng đầu không hoàn thành được nhiệm vụ.

Nhìn chung, nỗ lực đổi mới, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Chính phủ, cùng sự vươn lên mạnh mẽ của khối doanh nghiệp nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh, được xem là yếu tố then chốt trong việc tạo đà cho nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng bền vững.

Thu Trang (TH theo Vietnamplus, VOV, Báo Đấu thầu)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục