Trái phiếu bất động sản tiếp tục ảm đạm, mới chỉ 1 doanh nghiệp phát hành trong tháng 8

Gần hết tháng 8, nhưng nhóm trái phiếu bất động sản mới có duy nhất một doanh nghiệp phát hành trái phiếu là CTCP Fuji Nutri Food với giá trị phát hành 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 1 năm.

Theo thông tin từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến ngày 19/8, trong tháng đã có tổng cộng 8 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ trong với tổng giá trị phát hành 3.810 tỷ đồng.

Trong đó, nhóm Ngân hàng có giá trị phát hành 2.510 tỷ đồng, nổi bật nhất là Vietcombank, phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 8 năm, lãi suất thả nổi theo bình quân lãi suất tiết kiệm cá nhân của nhóm Big 4 (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank) cộng thêm biên độ khoảng 0,9%/năm; sau 3 năm tiếp theo là lãi suất tham chiếu với biên độ khoảng 2,57%/năm.

Đáng chú ý, nhóm bất động sản dù đứng thứ hai về khối lượng phát hành như chỉ có duy nhất một doanh nghiệp là CTCP Fuji Nutri Food, phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 1 năm.

Thông tin lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng của CTCP Fuji Nutri Food.
Thông tin lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng của CTCP Fuji Nutri Food.

So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng từ đầu năm là 8.996 tỷ đồng, giảm 6% (chiếm khoảng 4% tổng giá trị phát hành). Giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ đạt 201.002 tỷ đồng, chiếm khoảng 96% tổng giá trị phát hành và giảm 39%.

Trước đó, trong tháng 7/2022, nhóm trái phiếu bất động sản cũng chỉ ghi nhận duy nhất một doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ là Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh bất động sản Hà An với giá trị phát hành 210 tỷ đồng, lãi suất 11%/năm.

Vào tháng 7/2021, cũng theo dữ liệu của VBMA, khối lượng phát hành trái phiếu bất động sản riêng lẻ là 10.832 tỷ đồng. Như vậy, trong tháng 7 năm nay, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành riêng lẻ giảm tới 98%.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm trái phiếu bất động sản trầm lắng sau "cú sốc" về sự kiện trái phiếu của Tân Hoàng Minh hồi tháng 4 năm nay khiến lượng phát hành giảm mạnh.

Bên cạnh đó, các quy định nhằm siết phát hành trái phiếu của cơ quan chức năng được ban hành cũng khiến kênh huy động vốn này ngày càng trầm lắng. Ngoài ra, các doanh nghiệp đang trong giai đoạn "ngóng" chờ sự ra đời chính thức của Nghị định 153/2020 sửa đổi, quy định những điều kiện mới về phát hành, phân phối và mua bán trái phiếu.

Theo một báo cáo mới đây của Bộ Tài chính, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành tăng nhanh trong thời gian gần đây tạo rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt là khối lượng đáo hạn lớn tập trung trong giai đoạn 2022-2024 và chủ yếu là trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản và tổ chức tín dụng...

Theo Bộ Tài chính, trong năm 2022, khối lượng trái phiếu đáo hạn vào khoảng 144.500 tỷ đồng, trong đó khối lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn chiếm 43,2% (khoảng 62.470 tỷ đồng), khối lượng trái phiếu các tổ chức tín dụng đáo hạn vào khoảng 29.160 tỷ đồng, chiếm 20,2% tổng khối lượng trái phiếu đáo hạn.

Sang tới năm 2023 và năm 2024, khối lượng trái phiếu đến hạn tăng cao so hơn rất nhiều, lần lượt ở mức 271.400 tỷ đồng và 329.500 tỷ đồng. Trong đó, tổng khối lượng trái phiếu bất động sản đến hạn là 207.800 tỷ đồng, trái phiếu của các tổ chức tín dụng đến hạn là 207.500 tỷ đồng.

Như vậy, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn trả nợ trong vòng 3 năm tiếp theo lên tới 745.400 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đối diện với áp lực trả nợ trái phiếu đến hạn.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đối diện với áp lực trả nợ trái phiếu đến hạn.

Theo đánh giá của TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn - Chính sách Tiền tệ Quốc gia, TPDN là nguồn vốn có rủi ro cao hơn tín dụng ngân hàng và vì thế, lãi suất cũng cao hơn. Ưu thế của TPDN là quy trình đơn giản hơn, không bị kiểm soát mục đích sử dụng vốn và quản lý nợ chặt chẽ như tín dụng ngân hàng. Đặc biệt, TPDN có khả năng “đảo nợ” để kéo dài kỳ hạn trái phiếu, điều mà tín dụng ngân hàng không thể giải quyết được đối với các khoản vay lớn.

Nếu doanh nghiệp có kế hoạch tài chính tốt, quản lý chặt chẽ tiến độ của dự án thì TPDN có thể trở thành nguồn vốn trung và dài hạn quan trọng, nhất là đối với các doanh nghiệp BĐS.

Những năm gần đây, quy mô thị trường TPDN có tốc độ tăng trưởng khá cao, khoảng 30-35%/năm. Giả sử dư nợ TPDN toàn nền kinh tế hiện tại là 1,4 triệu tỷ đồng, với tốc độ tăng 35%/năm (nghĩa là sau 2 năm tăng gấp đôi, sau 6 năm tăng gấp 8 lần), thì đến năm 2028 thị trường này sẽ có quy mô lên tới 11,2 triệu tỷ đồng.

Trong đó, 60% dùng cho BĐS, đủ đáp ứng nhu cầu vốn phát triển dự án mà không cần tới tín dụng ngân hàng. Với kịch bản này, tín dụng ngân hàng khi đó chỉ dành cho người mua nhà vay là chủ yếu.

 

Ngọc Lan

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục