TP. HCM: Cơ cấu căn hộ trên thị trường còn nhiều lệch lạc!

(Kinhdoanhnet) - Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, Phó Giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành về bức tranh toàn cảnh thị trường bất động sản TP, HCM.

TP. HCM: Cơ cấu căn hộ trên thị trường còn nhiều lệch lạc! - Ảnh 1
TP. HCM: Cơ cấu căn hộ trên thị trường còn nhiều lệch lạc!

Theo đó, ông Đực cho biết, thị trường bất động sản trong thời gian qua và sắp đến bị ảnh hưởng bởi các yếu tố sau: Chính các doanh nghiệp bắt tay liên kết, tạo nên sự sôi động cho thị trường. Các chính sách và giải pháp của chính quyền đều không đạt hiệu quả. Cụ thể là gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đã thất bại, TP.HCM chậm cho phép chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, không cho giảm diện tích căn hộ.

Các quy định về thủ tục xây dựng sẽ làm thời gian đầu tư dài lâu hơn, tiền sử dụng đất tăng cao làm tăng giá thành, ký quỹ và bảo hiểm làm tăng giá bán. Những quy định sẽ làm tăng giá nhà.

Cơ cấu căn hộ hiện nay trên thị trường bị lệch lạc, cung không đúng cầu: Căn hộ A dưới 1 tỷ đồng chiếm 20%; căn hộ B từ 1 - 2 tỷ đồng chiếm 50%; căn hộ C trên 2 tỷ đồng chiếm 30%.

Có thể làm dư thừa căn hộ loại B và C, thiếu căn hộ loại A, gây nên bất ổn và bong bóng cho thị trường bất động sản. Thị trường bất động sản TP.HCM trong thời gian tới, vẫn còn nhiều doanh nghiệp khó khăn về nguồn vốn, nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục bung hàng vào cuối năm, phân khúc trung bình vẫn là phân khúc có thanh khoản ổn định nhất.

“Tùy tình hình kinh doanh của từng doanh nghiệp mà họ có chiến lược tăng giá vào những thời điểm hợp lý. Tuy nhiên, theo tôi trong hoàn cảnh này, thị trường cần chuyển động chậm mà chắc, hơn là bùng nổ vì có thể rơi vào tình trạng khó kiểm soát”, ông Đực cho biết.

Bên cạnh đó, ông Đực cũng cho rằng, diễn biến thị trường bất động sản TP.HCM khoảng 5 tháng đầu năm nay có dấu hiệu ấm lên khi lượng giao dịch tăng (40% so với cùng kỳ năm ngoái) và nguồn cung ra thị trường nhiều hơn trước, nhưng chỉ diễn ra ở vài khu vực và các giao dịch chủ yếu của những người mua để ở.

Một số dự án có vị trí tốt giá tăng khoảng 1-3%, thậm chí có một số dự án giá tăng 5-10%. Tuy nhiên việc tăng giá khi thị trường có dấu hiệu ấm trở lại đã dẫn đến những lo ngại thị trường sẽ phát triển nóng, thiếu bền vững.

Việc tăng giá bắt nguồn từ Luật nhà ở 2014 sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7 tới, quy định chủ đầu tư phải ký quỹ và mua bảo hiểm, khi bán nhà ở hình thành trong tương lai. Do đó giới đầu cơ đón đầu việc tăng giá sau ngày 1/7.

Tùy tình hình kinh doanh của từng doanh nghiệp mà họ có chiến lược tăng giá vào những thời điểm hợp lý. Tuy nhiên, theo tôi trong hoàn cảnh này, thị trường cần chuyển động chậm mà chắc, hơn là bùng nổ vì có thể rơi vào tình trạng khó kiểm soát.

Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (BĐS), Bộ Xây dựng, trong tháng 4-2015 lượng giao dịch BĐS cả nước thành công tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Tại TP.HCM trong tháng 4 có khoảng 1.500 giao dịch thành công, tăng gần 15% so với tháng trước, tăng hai lần so với cùng kỳ năm 2014.

Điểm đáng chú ý là nguồn cung trên thị trường hiện nay so với cùng kỳ năm trước khá dồi dào. Tuy nhiên, sức mua của người dân có cải thiện hơn nên dù nhiều dự án được mở bán nhưng vẫn đạt được lượng thanh khoản tốt. Điển hình, tại Tp.HCM, các dự án nổi bật về lượng thanh khoản phải kể đến: Gateway Thảo Điền, Imperia An Phú, Vista Verde, Vinhomes Central Park (Bình Thạnh), Saigonres Plaza (79-81 Nguyễn Xí)... 

Lý giải cho nguyên nhân lượng thanh khoản trong 5 tháng đầu năm chưa thực sự đạt con số ấn tượng mặc dù thị trường bất động sản hồi phục, nguồn cung và nguồn cầu đều lớn, nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề cốt lõi đó là cung và cầu trên thị trường chưa gặp nhau. Các chủ đầu tư muốn bán được “hàng” thì phải cung cấp sản phẩm mà thị trường cần, khách hàng cần chứ không thể cứ nhắm vào những sản phẩm mà mình cho là sẽ có lãi cao, như thế rất khó để bán được “hàng”. 

Bên cạnh đó, một số nguyên nhân như tâm lý nghi ngại chất lượng dự án cũng như mong chờ động thái khuyến mãi của chủ đầu tư... cũng có những ảnh hưởng trực tiếp đến lượng thanh khoản của thị trường.

Mai Hoa - (Tổng hợp theo Bizlive, Pháp luật TP. HCM)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục