Tồn kho thấp nhất trong 7 quý, ngành thép đang trên đà hồi phục?

Quý 4/2022, tồn kho ngành thép giảm mạnh còn 66.000 tỷ đồng, đây là mức thấp nhất trong vòng 7 quý kể từ đầu năm 2021.

Lượng tồn kho thấp nhất trong 7 quý gần đây 

Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tồn kho toàn ngành thép tại thời điểm cuối năm 2022 ước tính giảm khoảng 20.000 tỷ so với cuối quý 3, xuống còn khoảng 66.000 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 7 quý trở lại đây. Lũy kế nửa sau của năm 2022, tồn kho toàn ngành thép đã giảm khoảng 45.000 tỷ đồng.

Lượng tồn kho thép giảm còn 66.000 tỷ đồng, thấp nhất trong 7 quý gần đây.
Lượng tồn kho thép giảm còn 66.000 tỷ đồng, thấp nhất trong 7 quý gần đây.

Đứng đầu trong số các doanh nghiệp thép xả kho trong quý này là “anh cả” Hòa Phát (HPG) với lượng tồn kho giảm gần 9.400 tỷ đồng so với đỉnh vào cuối quý trước. Tuy nhiên, tồn kho của doanh nghiệp này vẫn chiếm quá nửa trong tổng lượng tồn kho của toàn ngành thép thời điểm 31/12, với giá trị gần 34.500 tỷ đồng (đã bao gồm trích lập dự phòng giảm giá 1.236 tỷ đồng). 

Các tên tuổi lớn khác của ngành thép cũng tiếp tục xả kho mạnh như Hoa Sen Group (HSG), Thép Nam Kim (NKG), VNSteel (TVN), Pomina (POM) với sản lượng  hàng nghìn tỷ sau quý vừa qua.

So với con số kỷ lục cuối quý 2/2022, phần lớn các doanh nghiệp thép hàng đầu đã giảm khoảng 40-70% giá trị tồn kho, ngoại trừ NKG và Thép Tiến Lên (TLH) vẫn duy trì ở mức cao. 

Trong quý 4/2022, hàng loạt doanh nghiệp thép phải kinh doanh dưới giá vốn dẫn đến thua lỗ nặng. Ước tính, tổng lợi nhuận ngành thép trong quý cuối năm 2022 vào khoảng âm 4.700 tỷ đồng, tương đương quý trước. Nhiều doanh nghiệp như HSG, NKG, TVN, POM,... đã giảm lỗ so với quý 3 trong khi một số cái tên như HPG, SMC,... lại thủng đáy lợi nhuận. 

Nhu cầu sụt giảm trong lẫn ngoài nước, giá bán lao dốc trong khi giá nguyên vật liệu tăng (đặc biệt giá than đột biến) đã ảnh hưởng đến hoạt động của HPG nói riêng và doanh nghiệp trong ngành nói chung.

Tính đến ngày 30/1/2023, hầu hết các doanh nghiệp thép niêm yết đã công bố báo cáo tài chính với “bức tranh” sớm được dự báo. Trong đó, đã có 6 doanh nghiệp ghi nhận tổng lỗ hơn 3.500 tỷ trong quý 4/2022, riêng Hoà Phát báo lỗ 2.000 tỷ đồng. 

Hòa Phát (HPG) là một trong những đơn vị đầu tiên công bố tình hình kinh doanh quý 4/2022, với doanh thu 26.000 tỷ, giảm 42% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ chi phí, HPG lỗ ròng hơn 2.000 tỷ đồng, tiếp tục xuống đáy mới sau quý 3 vừa ghi nhận lỗ hơn 1.700 tỷ. Lũy kế cả năm 2022, HPG đạt doanh thu 142.000 tỷ đồng, giảm 5% so 2021. Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt hơn 8.400 tỷ đồng, chỉ bằng 24% so với năm 2021.

Hòa Phát tiếp tục báo lợi nhuận âm trong quý 4/2022.
Hòa Phát tiếp tục báo lợi nhuận âm trong quý 4/2022.

Cũng đánh dấu quý thứ hai lỗ lớn, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) vừa tổng kết quý 1 niên độ 2022-2023 (1/10-31/12/2022) với mức lỗ 680 tỷ đồng. Quý trước đó, Hoa Sen lỗ 887 tỷ đồng. Theo HSG, trong kỳ công ty đã giảm hơn 1.400 tỷ hàng tồn kho, giảm gần 1.500 tỷ dư nợ vay ngân hàng. Trong đó, HSG ưu tiên tất toán toàn bộ các khoản nợ vay bằng USD và khoản nợ vay dài hạn. 

Tương tự, VNSteel (TVN), Thép Nam Kim (NKG) và Tisco (TIS) cũng đều đã giảm lỗ so với quý trước đó. Dù vậy, so với cùng kỳ, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đều "thê thảm". 

Cụ thể, VNSteel báo lỗ hơn 410 tỷ đồng trong quý cuối năm, giảm so với quý 3/2022. Tính chung cả năm, VNSteel lỗ hơn 820 tỷ đồng, trong khi năm 2021 có lãi gần 860 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên VNSteel có lợi nhuận âm kể từ năm 2014. 

Hay NKG , Công ty báo lỗ 350 tỷ đồng trong quý 4. Cả năm 2022 thua lỗ 67 tỷ đồng (so với cùng kỳ lãi đến 2.225 tỷ đồng)…. 

Về thị trường chung, theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng tiêu thụ sản phẩm thép năm 2022 đạt 27,3 triệu tấn, giảm 7,2% so với năm 2021. Tổng xuất khẩu là 6,28 triệu tấn, giảm gần 20%. 

Tồn kho ở mức thấp vào cuối năm 2022 có thể sẽ hạn chế phần nào khả năng hồi phục lợi nhuận của các doanh nghiệp thép trong quý tới khi giá thép đang duy trì xu hướng tăng sang đầu năm 2023.

Có dấu hiệu hồi phục nhưng vẫn nhiều khó khăn 

Đầu năm 2023, xuất khẩu thép của Hòa Phát đón tín hiệu vui với nhiều đơn hàng xuất khẩu tới các thị trường khu vực châu Mỹ, châu Á và châu Úc như: Mỹ, Canada, Mexico, Puerto Rico, Úc, Malaysia, Hồng Kong, Campuchia… Dù tiếp tục phá đáy lợi nhuận nhưng Hòa Phát lại tỏ ra khá lạc quan với tình hình ngành thép. 

Thị trường thép cũng đang có dấu hiệu ấm dần lên khi sản lượng bán thép của Hòa Phát đã tăng trở lại trong tháng 12/2022 sau nhiều tháng sụt giảm trước đó. Theo Kallanish, tập đoàn Hòa Phát đã khởi động lại một lò cao ở Hải Dương và nâng công suất thép thanh thêm 700.000 tấn/năm. Nguồn tin này cho biết, lò cao này đã được khởi động lại từ ngày 27/12 và sẽ mất 7 ngày để bắt đầu sản xuất phôi. Trước đó, Hòa Phát đã đóng 3 lò cao trong 2 tháng cuối năm 2022. 

Theo VSA nhận định, sau một thời gian dài liên tục lao dốc trước hàng loạt sức ép từ vĩ mô đến bài toán về nhu cầu, giá sắt thép trên thế giới đã bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi trong khoảng 2 tháng trở lại đây. Biến động của thị trường vẫn còn tiềm ẩn, song tín hiệu tích cực hứa hẹn sẽ thổi một làn gió mới cho ngành sắt thép trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. 

Giá than, nguyên vật liệu quan trọng nhất trong luyện thép đã quay đầu giảm mạnh sau thời gian dài neo cao vùng đỉnh. Điều này có thể sẽ hỗ trợ biên lợi nhuận của ngành thép thời gian tới. 

Tuy nhiên, tốc độ hồi phục được dự báo sẽ khá chậm. Theo dự báo của Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel), nhu cầu thép toàn cầu ước tính sẽ chỉ nhích nhẹ 1% trong năm 2023 và đạt 1.815 triệu tấn.  

Giới chuyên môn dự báo, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp nối lại hoạt động xây dựng và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng. Nhờ đó, nhu cầu thép xây dựng phục hồi nhưng sức tiêu thụ của thị trường Trung Quốc có thể vẫn yếu, do doanh thu bán nhà ở mới giảm kể từ nửa cuối năm 2021.  

Liên quan đến vấn đề trên, Chính phủ Trung Quốc đã có các biện pháp hỗ trợ nhằm giải quyết vấn đề thanh khoản của các chủ đầu tư bất động sản và đầu tư cơ sở hạ tầng, nhưng rủi ro suy thoái kéo dài có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu thép trên toàn thế giới. 

Bên cạnh đó, sản lượng thép của các nhà sản xuất lớn nhất thế giới cũng sụt giảm do các nhà máy phải cắt giảm sản lượng sau một thời gian dài thua lỗ. Sau khi đạt mức cao nhất vào tháng 5/2022 ở mức 96,6 triệu tấn, sản lượng thép của Trung Quốc đã giảm dần xuống 74,5 triệu tấn vào tháng 11, gây ra sự cân bằng giữa cung và cầu. Những yếu tố này có thể giúp giá thép khu vực ổn định hơn trong năm 2023.

Tuy vậy, ít có khả năng giá thép tăng mạnh, vì việc mở cửa trở lại ở Trung Quốc cũng sẽ dẫn đến nguồn cung tăng. Hơn nữa, mức giá hiện tại đã cao khoảng 20~40% so với mức trước covid. Nhu cầu yếu ở Việt Nam cũng có thể gây khó khăn cho các nhà sản xuất trong việc tăng giá lên mức tương đương với giá trong khu vực. 

Ngoài ra, Ấn Độ được dự báo sẵn sàng vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2023, quốc gia này đang ở giữa thời kỳ bùng nổ xây dựng. Do đó, nền kinh tế Ấn Độ đang nổi lên như một vị cứu tinh cho nhu cầu thép toàn cầu.   

Nhìn chung, với đà phục hồi của Trung Quốc hay sự nổi lên của thị trường Ấn Độ, đều là các đối thủ cạnh tranh rất lớn, ngành thép Việt Nam trong năm nay sẽ còn gặp phải nhiều thách thức. Tuy nhiên, sẽ vẫn có các cơ hội mà Việt Nam có thể tận dụng, đặc biệt là trong hoạt động xuất khẩu sắt thép xây dựng. 

Về thị trường trong nước, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng theo mục tiêu đảm bảo tăng trưởng kinh tế năm 2023 có thể sẽ hỗ trợ nhu cầu thép, đặc biệt là thép xây dựng.

Với thực trạng hiện nay, ngành bất động sản sau một năm 2022 trầm lắng, dự kiến chưa thể nóng lên ngay trong năm 2023 phần nào sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi của ngành thép. Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành thép năm 2023, SSI Reseach dự báo nhu cầu trong nước có thể tiếp tục suy yếu do thị trường bất động sản trì trệ và chính sách tiền tệ thắt chặt.   

Hoài Thương

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục