Tin tức công nghệ mới nóng nhất hôm nay 7/9: Huawei "dự trữ 15 triệu Mate 60"

iPhone 15 Ultra sẽ ra mắt khi nào?; Đột phá của Huawei và SMIC trước lệnh trừng phạt của Mỹ... là những tin tức công nghệ mới nóng nhất hôm nay 7/9/2023.


Huawei "dự trữ 15 triệu Mate 60"

Theo SCMP, hai mẫu Mate 60 và Mate 60 Pro, ra mắt ngày 29/8, đã được mua hết sau khi mở bán trên các trang thương mại điện tử Vmall, JD.com và Taobao cũng như cửa hàng của Huawei. Tối 4/9, Vmall xác nhận đang chuẩn bị nhận lô hàng Mate 60 tiếp theo.

Dẫn nguồn tin từ chuỗi cung ứng, nhà phân tích Arthur Guo Tianxiang của công ty nghiên cứu thị trường IDC cho biết Huawei hiện dự trữ ít nhất 15 triệu điện thoại dòng Mate 60, đồng thời "có thể đặt hàng sản xuất thêm nếu duy trì được sự quan tâm của người tiêu dùng".

Trong khi đó, hãng nghiên cứu Counterpoint Research ước tính riêng mẫu Mate 60 Pro sẽ đạt doanh số ít nhất 7 triệu máy, nếu "không có bất kỳ trục trặc nào về nguồn cung". Huawei không công bố doanh số dòng Mate 50 năm ngoái, nhưng Counterpoint thống kê hãng Trung Quốc đã bán được khoảng 7-9 triệu máy.

Trên mạng xã hội Trung Quốc, Mate 60 luôn nằm trong số những chủ đề thịnh hành nhất. Nhiều người đánh giá smartphone mới của Huawei là bằng chứng cho thấy nước này có thể vượt qua lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào lĩnh vực sản xuất công nghệ của Trung Quốc.

"Miễn là Huawei có đủ điện thoại để bán ra, dòng Mate 60 sẽ có doanh số hơn hẳn so với Mate 50", nhà phân tích Ivan Lam của Counterpoint Research, nhận xét.

Huawei đang nỗ lực quay lại top 5 thương hiệu smartphone hàng đầu của Trung Quốc sau thời gian dài bị Mỹ hạn chế. Trong nửa đầu năm nay, công ty đã xuất xưởng 14,3 triệu smartphone.

Ngày 29/8, Huawei bất ngờ ra mắt Mate 60 Pro và hai ngày sau đó là Mate 60. Hãng chưa công bố thông số của bộ vi xử lý và chip 5G. Tuy nhiên, các chuyên gia đã tháo rời sản phẩm và phát hiện máy trang bị chip Kirin 9000s. SMIC, công ty bán dẫn hàng đầu Trung Quốc, đã sản xuất chip này trên tiến trình 7 nm.

Tin tức công nghệ mới nóng nhất hôm nay 7/9/2023: Huawei "dự trữ 15 triệu Mate 60"
Tin tức công nghệ mới nóng nhất hôm nay 7/9/2023: Huawei "dự trữ 15 triệu Mate 60"

Cả chuyên gia Ivan Lam và Guo Tianxiang có chung nhận định rằng dòng Mate 60 về cơ bản đã vượt qua được các hạn chế trong vài năm qua và sẽ trở nên cực kỳ cạnh tranh trong phân khúc smartphone cao cấp. Với việc xuất hiện sớm hơn iPhone 15, sản phẩm có thể là đối thủ cạnh tranh đáng gờm của điện thoại Apple tại thị trường Trung Quốc, nhất là khi tinh thần ủng hộ hàng nội địa ở đây đang dâng cao.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng lo ngại Mỹ sẽ tiếp tục áp thêm lệnh cấm sau màn ra mắt sản phẩm mới của Huawei. "Điều này cho thấy các công ty Trung Quốc còn có nhiều tiềm năng đổi mới, nhưng cũng làm gia tăng các cuộc tranh luận ở Washington, rằng có nên đưa thêm nhiều hạn chế nữa hay không", giáo sư Chris Miller của Đại học Tufts và là tác giả cuốn Chip War, nhận xét.

Trung Quốc sắp ra quỹ 41 tỷ USD để thúc đẩy ngành chip

Theo Reuters, chính phủ Trung Quốc đang chuẩn bị ra mắt Quỹ đầu tư công nghiệp mạch tích hợp, còn gọi là Big Fund. Quỹ được thành lập trong bối cảnh nước này đang nỗ lực tự chủ trong cuộc đua bán dẫn. Mục tiêu huy động 300 tỷ nhân dân tệ (41 tỷ USD) khiến quy mô của quỹ vượt xa các quỹ trước đó được thành lập vào năm 2014, 2019 với giá trị lần lượt 138,7 tỷ nhân dân tệ (19 tỷ USD) và 200 tỷ nhân dân tệ (27 tỷ USD).

Trong khi đó, vào tháng 8/2022, Mỹ cũng đã thông qua gói tài trợ trị giá 52 tỷ USD để yêu cầu các công ty chip hạn chế mở rộng hoạt động với Trung Quốc.

Một trong những nguồn tin thân cận của Reuters cho biết lĩnh vực đầu tư chính của quỹ là thiết bị sản xuất chip. Nhu cầu này đang trở nên cấp thiết sau khi Mỹ áp đặt loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu máy móc và công nghệ làm chip. Một trong những lý do được Mỹ đưa ra là Trung Quốc có thể dùng chip tiên tiến để tăng cường khả năng quân sự.

Tháng 10 năm ngoái, Mỹ tiếp tục ra quy định nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp cận thiết bị sản xuất chip tiên tiến từ Nhật Bản, Hà Lan.

Kế hoạch thành lập quỹ được Trung Quốc phê duyệt trong những tháng gần đây. Bộ Tài chính nước này đang lên kế hoạch đóng góp 60 tỷ nhân dân tệ (8,2 tỷ USD). Danh tính của những tổ chức còn lại chưa được tiết lộ.

Bộ Tài chính, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc không đưa ra bình luận. Các nguồn tin cho biết quá trình gây quỹ có thể mất vài tháng và chưa rõ khi nào quỹ được triển khai chính thức.

Malaysia muốn Google, Meta phải trả tiền cho tin tức

Ủy ban Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia (MCMC) cho biết trong một tuyên bố sau cuộc gặp với các quan chức của cả hai công ty rằng Malaysia đang thảo luận với Google, Meta và các nền tảng trực tuyến lớn khác về khung pháp lý.

MCMC cho biết các quy định được đề xuất sẽ tương tự như các quy định ở Úc vào năm 2021, khi Google và Meta bị bắt buộc phải đền bù cho các phương tiện truyền thông về các nội dung được đăng tải trên các nền tảng giúp thu hút lượt nhấp chuột và quảng cáo.

MCMC cũng đang cân nhắc các quy tắc tương tự như Dự luật C-11 của Canada, nhằm quản lý các nền tảng phát trực tuyến.

Họ cho biết các quy định này là một phần trong nỗ lực của chính phủ nhằm giải quyết "sự mất cân bằng" về thu nhập cho các nền tảng kỹ thuật số và phương tiện truyền thông địa phương, đồng thời đảm bảo "sự đền bù công bằng cho những người sáng tạo nội dung tin tức".

MCMC cho biết họ cũng đang thảo luận với các nền tảng truyền thông xã hội để giải quyết các tác hại trực tuyến như lạm dụng trẻ em, cờ bạc trực tuyến và lừa đảo tài chính.

Malaysia đã tăng cường giám sát nội dung trực tuyến dưới thời Thủ tướng Anwar Ibrahim kể từ khi ông lên nắm quyền vào tháng 11.

Đầu năm nay, Malaysia cho biết họ sẽ có hành động pháp lý chống lại Meta vì đã không hành động chống lại nội dung có hại trên nền tảng Facebook, nhưng sau đó đã hủy bỏ kế hoạch này.

Hoàng Yên (T/h)   0

Đời sống & Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục