Vì sao Google phải trả Apple 19 tỷ USD mỗi năm?
Ngày 21/9, lãnh đạo cấp cao của Apple đã có mặt trong phiên tòa liên quan đến vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đối với Google. Washington Post cho biết đây là vụ chống độc quyền lớn nhất nhắm vào một công ty công nghệ sau hơn hai thập kỷ. Còn theo luật sư Kenneth Dintzer của DOJ, kết quả của vụ kiện có thể ảnh hưởng đến tương lai của Internet.
Các công tố viên cho biết Google đang nắm 90% thị phần tìm kiếm trực tuyến. Ưu thế đó có được một phần nhờ Google bắt tay với Apple trong thương vụ đã kéo dài 18 năm. Mỗi năm, Apple nhận về 19 tỷ USD để hiển thị mặc định công cụ tìm kiếm của đối tác trên iPhone, MacBook và các sản phẩm khác của mình. Hai bên cố gắng giữ bí mật trước công chúng và chỉ nhắc tới thỏa thuận trong các kênh liên lạc nội bộ.
"Chúng ta sẽ hoạt động như thể một công ty", DOJ trích email do một nhân viên cấp cao của Apple gửi đến Google. Thỏa thuận biến sự cạnh tranh khốc liệt giữa hai ông lớn trở thành quan hệ hợp tác, giúp Google duy trì thế độc quyền.
Trong bài đăng trên blog trước khi phiên tòa diễn ra, Kent Walker, Chủ tịch phụ trách vấn đề toàn cầu của Google, nói vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ có "sai lầm nghiêm trọng" và thỏa thuận với Apple không hề ngăn người dùng sử dụng các công cụ tìm kiếm khác.
"Mọi người không tìm đến Google vì bị bắt phải làm vậy, họ dùng vì họ muốn", ông nói. Ông khẳng định thị trường vẫn còn lựa chọn như Bing của Microsoft hay Amazon. Việc hãng nắm vị trí dẫn đầu là do khả năng cải tiến sản phẩm và xây dựng thói quen cho người dùng.
Trả lời luật sư Dintzer tại phiên tòa, John Giannandrea, Phó chủ tịch phụ trách mảng AI của Apple, thừa nhận hãng thu về hàng tỷ USD thông qua thỏa thuận với Google. Trong các phiên tòa tiếp theo, các công tố viên dự kiến chất vấn Giannandrea để tìm thêm bằng chứng cho thấy Google dùng thế độc quyền tạo sức ép lên Apple trong các điều khoản hợp đồng.
Hiện Apple đã cung cấp cho DOJ hơn 125.000 tài liệu và hơn 21,5 giờ lời khai từ các nhà điều hành, trong đó có "các cuộc thảo luận thương mại nội bộ nhạy cảm nhất".
"Google đang trả hàng tỷ USD cho Apple để sở hữu đặc quyền mà các đối thủ đều muốn có", Rebecca Haw Allensworth, giáo sư luật của Đại học Vanderbilt, nói. Còn theo Washington Post, việc độc quyền không bất hợp pháp, nhưng lạm dụng ưu thế độc quyền nhằm dập tắt sự cạnh tranh là vi phạm pháp luật.
Samsung ra mắt bộ đôi Galaxy S23 và Galaxy Xcover6 Pro
Bộ đôi điện thoại này được thiết kế có độ bền ấn tượng để sử dụng trong các môi trường khắc nghiệt. Chúng hướng đến khách hàng là quân nhân hay những người có công việc tương tự.
Trong đó, Galaxy XCover 6 Pro Tactical Edition đã đạt được chứng nhận MIL-STD-810H, cho thấy độ bền ấn tượng để người dùng sử dụng trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt và có thể sống sót ở độ sâu 1.5m dưới nước trong 30 phút. Trong khi đó, Galaxy S23 Tactical Edition cũng có xếp hạng IP68 ấn tượng và được bọc trong lớp vỏ chắc chắn cấp độ quân sự phù hợp để gắn vào ngực hoặc cẳng tay.
Cả hai điện thoại cũng có chế độ nhìn đêm để phù hợp với việc sử dụng với các thiết bị quang học nhìn đêm. Ngoài ra, chúng còn có độ nhạy cảm ứng tự động cho phép người dùng vận hành thiết bị bằng găng tay, trong khi màn hình khóa tự động xoay tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng với giá đỡ lật xuống.
Nói về khả năng liên lạc, cả Galaxy S23 Tactical Edition và XCover 6 Pro Tactical Edition đều có trình điều khiển chuyên dụng để hỗ trợ các giao thức thiết bị nhiệm vụ và vô tuyến chiến thuật, đồng thời chúng cũng hỗ trợ các kết nối di động thông thường, bao gồm LTE, CBRS, Bluetooth và Wi-Fi.
Microsoft ra mắt trợ lý ảo chatbot AI Copilot
Microsoft vừa công bố ra mắt Microsoft Copilot, một trợ lý AI được thiết kế để hỗ trợ người dùng tương tác với công nghệ và nâng cao năng suất làm việc. Giải pháp AI này sẽ có sẵn miễn phí trên Windows 11, Microsoft 365, Edge và Bing.
Theo đó, các tính năng AI của Microsoft đã được hợp nhất trong một trải nghiệm duy nhất mang tên Microsoft Copilot, trợ lý AI hằng ngày.
Copilot sẽ tự động kết hợp thông tin từ web, dữ liệu làm việc và tác vụ người dùng đang thực hiện trên máy tính cá nhân để mang đến sự hỗ trợ tốt hơn, nhưng vẫn đảm bảo tính bảo mật và quyền riêng tư.
Người dùng có thể sử dụng trợ lý Copilot dưới dạng ứng dụng tự hiển thị khi cần, chỉ bằng một cái nhấp chuột phải. Phiên bản đầu tiên của Copilot sẽ bắt đầu có mặt trong bản cập nhật tiếp theo của Windows 11, bắt đầu từ ngày 26/9 năm 2023.
Bản cập nhật kế tiếp của Windows 11 sẽ được bổ sung hơn 150 tính năng mới với khả năng biến các tác vụ phức tạp trở nên đơn giản. Trong đó, phải kể đến tính năng mới về AI được tối ưu hóa trong Paint và Photos, Clipchamp, Notepad, File Explorer bản cải tiến, Narrator với các giọng đọc tự nhiên mới để nâng cao khả năng nhận dạng và hiệu suất. Những cải tiến này sẽ biến Windows thành điểm đến cho những trải nghiệm AI tốt nhất.
Trình duyệt Edge và công cụ tìm kiếm Bing cũng được bổ sung thêm nhiều tính năng mới về AI. Các tính năng mới bao gồm tạo câu trả lời cá nhân hóa dựa trên lịch sử trò chuyện, mô hình DALL.E 3 được cải tiến từ OpenAI trong Bing Image Creator, và việc sử dụng phương pháp mã hóa để thêm chữ ký số vào tất cả các hình ảnh được tạo ra bởi AI trong Bing, kèm thời gian khởi tạo.
Microsoft cũng đã công bố một số trải nghiệm và thiết bị mới giúp làm việc hiệu quả hơn. Đó là các thiết bị Surface mới với những cải tiến về AI.