Tin tức công nghệ mới nóng nhất hôm nay 18/5: Ứng dụng Google bị tố khiến Pixel 7 quá nhiệt khi không sử dụng

Ứng dụng Google bị tố khiến Pixel 7 quá nhiệt khi không sử dụng; Musk nói ông là lý do OpenAI tồn tại.... là những tin tức công nghệ mới nóng nhất hôm nay 18/5/2023.


Ứng dụng Google bị tố khiến Pixel 7 quá nhiệt khi không sử dụng

Một số người dùng Google Pixel 6 và 7 đã phàn nàn về việc điện thoại của họ ngốn pin quá mức ngay cả khi không sử dụng nhưng Google vẫn chưa đưa ra bất kỳ cách khắc phục nào.

Người dùng Google Pixel đã phàn nàn về tình trạng hao pin trên điện thoại Pixel 6 và 7 của họ. Cụ thể, khách hàng bắt đầu báo cáo tình trạng hao pin sau khi cập nhật ứng dụng Google.

Một người dùng Pixel 6 Pro cho biết điện thoại của mình gần đây trở nên quá nóng và hao pin quá mức, đồng thời nghi ngờ thủ phạm chính là ứng dụng Google và một bản cập nhật được tung ra vào ngày 12/5.
Người này đã chia sẻ ảnh chụp màn hình menu cài đặt trên điện thoại, cho thấy ứng dụng Google đang gây hao pin của Pixel 6 Pro ở chế độ nền ngay cả khi họ không chạm vào điện thoại trong suốt một giờ.

Khảo sát trên Reddit và diễn đàn hỗ trợ của Google cho thấy nhiều người dùng Pixel khác cũng đang gặp sự cố tương tự.

Một người dùng Reddit nói: "Nó chỉ mới bắt đầu hôm qua. Điều này vì sử dụng nhiều pin từ ứng dụng Google. Tôi vừa mới thực hiện khôi phục cài đặt gốc, cài đặt lại hầu hết mọi thứ và nó vẫn đang xảy ra. Ngoài việc pin nhanh chóng tiêu hao, điện thoại đang trở nên rất nóng nên tôi biết điều đó đang gây hại cho pin và có khả năng là cả CPU".

Google vẫn chưa phản hồi và thừa nhận sự cố nhưng rất có thể họ sẽ cung cấp một bản cập nhật để giúp ngăn chặn tình trạng hao pin bất thường trên điện thoại Pixel. Google vừa phát hành điện thoại Pixel 7a, nên có thể họ sẽ khắc phục sự cố này trước khi ra mắt điện thoại mới.

Tin tức công nghệ mới nóng nhất hôm nay 18/5: Ứng dụng Google bị tố khiến Pixel 7 quá nhiệt khi không sử dụng - Ảnh 1

Musk nói ông là lý do OpenAI tồn tại

Elon Musk cho biết ông đã đặt tên cho OpenAI và đầu tư hàng chục triệu USD để sáng lập công ty đứng sau ChatGPT.

"Tôi nghĩ ra cái tên này", Musk trả lời CNBC ngày 16/5, nói mình có công trong việc tuyển dụng các nhà khoa học, kỹ sư chủ chốt và "là lý do OpenAI tồn tại". Tuy nhiên, ông rời đi vào năm 2018 sau khi bất đồng quan điểm về tốc độ phát triển và bản chất của AI với ban giám đốc.

Trước đó, Musk nhiều lần chỉ trích Microsoft kiểm soát hoạt động của OpenAI và đánh giá mô hình lợi nhuận giới hạn của startup là "đáng ngờ". Ông xác nhận số tiền ông đầu tư vào OpenAI là khoảng 50 triệu USD.

Khi ChatGPT gây sốt và OpenAI trở thành công ty khởi nghiệp công nghệ hấp dẫn, Musk được cho là đã rất tức giận. Ông nói OpenAI đi chệch sứ mệnh ban đầu. "OpenAI được tạo ra như một nguồn mở. Đúng như tên gọi, đây là công ty phi lợi nhuận, sinh ra để làm đối trọng với Google, nhưng giờ nó lại trở thành nguồn lợi nhuận quan trọng của Microsoft", Musk viết trên Twitter ngày 17/2. Giữa tháng 3, ông tiếp tục nói không hiểu bằng cách nào tổ chức phi lợi nhuận ông từng góp hàng chục triệu USD lại trở thành công ty có vốn hóa thị trường 30 tỷ USD. Ông ám chỉ điều này không hợp pháp.

Người dùng mạng xã hội ở Việt Nam sẽ được định danh thế nào

Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất tài khoản xác thực với tên thật, số điện thoại mới được viết bài, bình luận và livestream trên mạng xã hội.

Đề xuất này nằm trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP.

Dự thảo này được trình lên Chính phủ cuối năm ngoái. Trong báo cáo đầu tháng 5, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sau khi có được sự nhất trí của Chính phủ, Bộ đang phối hợp xây dựng và hoàn thiện để trình Chính phủ trong quý II/2023.

Dự thảo được bổ sung, sửa đổi một số quy định về quản lý nền tảng xuyên biên giới và nội dung thông tin trên không gian mạng. Trong đó có quy định mạng xã hội, gồm cả trong nước và xuyên biên giới, phải định danh người dùng và cung cấp thông tin định danh cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu.

Việc định danh này được thực hiện bằng cách xác thực tên thật và số điện thoại. Dự kiến tại Việt Nam, các mạng xã hội chỉ cho tài khoản đã được định danh viết bài, bình luận, sử dụng tính năng livestream (phát trực tiếp). Nếu không, người dùng chỉ được xem nội dung.

"Tài khoản không định danh sẽ bị đấu tranh, ngăn chặn, xử lý với các mức độ khác nhau", Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết tại phiên giải trình do Ủy ban Tư pháp tổ chức ngày 8/5.

Hoàng Yên (T/h)

Đời sống & Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục