Apple đang bán những mẫu iPhone nào, giá bao nhiêu?
Sau khi iPhone 15 ra mắt, Apple thông báo ngừng bán iPhone 13 mini cùng iPhone 14 Pro, 14 Pro Max, iPhone 12.
Theo thông lệ hằng năm, mỗi lần ra mắt iPhone mới, Apple đều “khai tử” một hoặc vài model cũ. Năm nay cũng không phải ngoại lệ. Với sự xuất hiện của bộ tứ iPhone 15, “táo khuyết” thông báo ngừng sản xuất iPhone 13 mini, iPhone 14 Pro, 14 Pro Max, iPhone 12.
Như vậy, không còn iPhone cỡ nhỏ nào được bán qua kênh chính thức của hãng. Điều đó cho thấy doanh số iPhone cỡ nhỏ không đủ để duy trì sự tồn tại của chúng.
Song song với việc ngừng bán model cũ, Apple cũng giảm giá iPhone cũ còn trên kệ. Cụ thể, Apple hiện bán iPhone SE, iPhone 13, iPhone 14, iPhone 14 Plus, iPhone 15, iPhone 15 Plus, iPhone 15 Pro, iPhone 15 Pro Max.
Bảng giá toàn bộ iPhone bán tại Apple Store Việt Nam
Google bị cáo buộc chi 10 tỷ USD mỗi năm để bảo vệ vị thế độc quyền
Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Google chi trả 10 tỷ USD mỗi năm cho Apple và các công ty khác để đảm bảo Google Search duy trì trạng thái là công cụ tìm kiếm mặc định trên điện thoại và trình duyệt web.
Chính phủ Mỹ ngày 12/9 đã cáo buộc Google chi trả 10 tỷ USD mỗi năm cho Apple và các tập đoàn khác để bảo vệ vị thế độc quyền của công ty công nghệ này đối với mảng công cụ tìm kiếm trực tuyến.
Cáo buộc này đưa ra đúng vào ngày diễn ra phiên tòa xét xử vụ kiện nhằm vào Google.
Trong các đơn kiện riêng biệt, Bộ Tư pháp Mỹ và hãng chục bang của Mỹ cáo buộc Google vào năm 2020 có hành vi lạm dụng vị thế thống trị của mình trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến, cản trở cạnh tranh bằng cách thoả thuận với các nhà mạng viễn thông và các hãng sản xuất điện thoại thông minh để đưa Google Search trở thành công cụ tìm kiếm mặc định hoặc duy nhất trên các sản phẩm được sử dụng bởi hàng triệu người tiêu dùng. Các đơn kiện này cuối cùng tập hợp thành một vụ kiện duy nhất.
Giới chuyên gia pháp luật miêu tả đây là vụ kiện độc quyền lớn nhất kể từ khi Chính phủ Mỹ nhằm vào hãng phần mềm lớn nhất thế giới Microsoft hồi những năm 1990.
Tại phiên tòa, luật sư Kenneth Dintzer thuộc Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Google chi trả 10 tỷ USD mỗi năm cho Apple và các công ty khác để đảm bảo Google Search duy trì trạng thái là công cụ tìm kiếm mặc định trên điện thoại và trình duyệt web.
Do đó, các đối thủ khác, nhất là những công ty khởi nghiệp còn non trẻ, không có cơ hội để phát triển cũng như cạnh tranh ở mảng này.
Vị thế thống trị của mình trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến đã giúp tập đoàn Alphabet, vốn là "công ty mẹ" của Google, trở thành một trong những tập đoàn có doanh thu lớn nhất thế giới. Riêng doanh thu từ quảng cáo trên công cụ tìm kiếm đã chiếm gần 60% tổng doanh thu của Alphabet.
Lý do khiến Indonesia cấm bán hàng trên mạng xã hội
Phát biểu tại phiên điều trần quốc hội ngày 12/9, Thứ trưởng Thương mại Indonesia cho biết quốc gia này đang có kế hoạch cấm bán hàng hóa trên mạng xã hội theo các quy định thương mại mới.
Các bộ trưởng Indonesia đã nhiều lần chỉ ra rằng việc những người bán hàng thương mại điện tử sử dụng phương pháp “định giá để phá giá” trên các nền tảng truyền thông xã hội đang đe dọa thị trường truyền thống ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này.
Tuy nhiên, các quy định thương mại hiện hành không đề cập cụ thể đến các giao dịch trực tiếp trên mạng xã hội.
Ông Jerry Sambuaga, Thứ trưởng Bộ Thương mại Indonesia, khẳng định mạng xã hội và thương mại xã hội không thể kết hợp với nhau. Ông nêu ví dụ về người bán sử dụng tính năng “phát trực tiếp” trên nền tảng video ngắn TikTok để bán hàng.
Thứ trưởng Sambuaga tuyên bố chính phủ đang tiến hành những sửa đổi đối với các quy định thương mại hiện nay và sẽ dứt khoát cấm bán hàng trên mạng xã hội.
Đáp lại, TikTok cho biết việc tách phương tiện truyền thông xã hội và thương mại điện tử thành các nền tảng khác nhau sẽ cản trở xu thế đổi mới. Họ hy vọng chính phủ sẽ cung cấp một sân chơi bình đẳng cho công ty này.
“Nó cũng sẽ gây bất lợi cho các thương nhân và người tiêu dùng Indonesia”, đại diện TikTok Indonesia Anggini Setiawan nói với Reuters.
Hiện có khoảng 2 triệu người bán hàng trên TikTok ở Indonesia. Trước đây, TikTok cho biết họ không có kế hoạch triển khai hoạt động kinh doanh xuyên biên giới ở quốc gia Đông Nam Á này, sau khi giới chức địa phương này tỏ lo ngại việc thúc đẩy thương mại điện tử của công ty đó có thể khiến các sản phẩm Trung Quốc tràn ngập thị trường nội địa.
Mạng xã hội Facebook của Meta, cũng có tính năng bán hàng trong nền tảng, chưa trả lời yêu cầu bình luận của Reuters về vấn đề trên.
TikTok thuộc sở hữu của “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc ByteDance. Công ty cho biết ứng dụng này có có 325 triệu người dùng Đông Nam Á hoạt động hàng tháng, trong đó có 125 triệu người dùng ở Indonesia.
Theo dữ liệu từ công ty tư vấn Momentum Works, Indonesia, với dân số hơn 270 triệu người, đã đạt gần 52 tỷ USD giao dịch thương mại điện tử vào năm ngoái. Trong đó, 5% diễn ra trên TikTok, chủ yếu thông qua hình thức phát trực tiếp.
Theo báo cáo năm 2022 của Google, ngành thương mại điện tử của Indonesia dự kiến tăng lên 95 tỷ USD vào năm 2025.