Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Dư nợ tín dụng vượt tiền gửi sau 10 năm, ngân hàng rục rịch báo lãi

Những tin ngân hàng nổi bật tuần qua như: Nhân sự cấp cao của Eximbank từ nhiệm trước ĐHĐCĐ bất thường; Ngân hàng rục rịch báo lãi năm 2022; Dư nợ tín dụng vượt tiền gửi sau 10 năm;...

Dư nợ tín dụng vượt tiền gửi sau 10 năm

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dư nợ tín dụng năm 2022 ước tăng khoảng 14,5% so với đầu năm, đạt hơn 11,958 triệu tỷ đồng. Ước tính, hệ thống ngân hàng đã bơm ra nền kinh tế hơn 1,5 triệu tỷ đồng trong năm 2022 - là mức tăng lớn nhất từ trước đến nay xét về giá trị tuyệt đối.

Trong khi đó, các nhà băng lại gặp khó trong việc huy động tiền gửi. Cụ thể, tính tới 21/12, tiền gửi vào hệ thống ngân hàng qua kênh tổ chức và dân cư đạt 11,6 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 5,99% so với đầu năm. Đây là mức tăng tiền gửi thấp nhất của hệ thống ngân hàng trong nhiều năm trở lại đây.

Như vậy, dư nợ tín dụng đã lần đầu vượt tiền gửi sau 10 năm. Trong suốt chục năm qua, số dư tiền gửi của tổ chức và dân cư tại hệ thống ngân hàng luôn lớn hơn dư nợ tín dụng chảy ra nền kinh tế. Lần gần nhất, huy động tiền gửi thấp hơn tín dụng là vào 2012.

Tình trạng cho vay ra nhiều hơn tiền gửi khiến năng lực vốn và thanh khoản của các ngân hàng bị ảnh hưởng. Số liệu từ báo cáo tài chính quý III cho thấy, tỷ lệ LDR thuần (dư nợ cho vay/tiền gửi khách hàng) tại nhiều ngân hàng vào cuối tháng 9 đã vượt ngưỡng 100% như MSB, Techcombank, VIB, HDBank hay VPBank.

Nguồn: Internet.
Nguồn: Internet.

Ngân hàng rục rịch báo lãi năm 2022

Các ngân hàng rục rịch công bố kết quả kinh doanh năm 2022 là một trong những tin ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

Theo đó, VietinBank là ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh với lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2022 ước đạt 20.500 tỷ đồng, tăng hơn 21% so với năm 2021, vượt mục tiêu kế hoạch đại hội đồng cổ đông đã đề ra.

Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng được kiểm soát ở mức 1,2%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu xấp xỉ 190% (tăng 10% so với năm 2021). Kết quả thu hồi nợ gốc lãi xử lý rủi ro tăng hơn 60% so với số thu năm 2021.

Trong cùng ngày, "ông lớn" tiếp theo là Ngân hàng TMCP Ngoại Thương (Vietcombank - Mã: VCB) cũng thông tin kết quả kinh doanh ước tính cả năm 2022 với lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt khoảng 36.774 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2021. NIM đạt 3,51%, tăng 0,24 điểm % so với 2021. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,67%.

Với con số lợi nhuận trên, Vietcombank đang duy trì vị trí dẫn đầu về lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm 2022.

Năm 2022, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đạt 19% đưa tổng dư nợ vượt mốc 1,15 triệu tỷ đồng. Huy động vốn thị trường I của ngân hàng đạt xấp xỉ 1,26 triệu tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2021. Tỷ trọng huy động vốn không kỳ hạn (CASA) bình quân đạt 34%, tăng 1,8 điểm % so với 2021 (tương đương khoảng 428.000 tỷ đồng).

Tại Hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2022, ban lãnh đạo Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – Mã: BID) cho hay các chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2022 đều đạt kế hoạch Ngân hàng Nhà nước và Đại hội đồng cổ đông giao.

Theo đó, lợi nhuận trước thuế khối ngân hàng thương mại đạt 22.560 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 23.190 tỷ đồng. Tổng tài sản BIDV đạt hơn 2,08 triệu tỷ đồng, tăng trưởng gần 21% so với năm 2021 và là ngân hàng thương mại đầu tiên vượt mốc này.

Tổng nguồn vốn huy động đạt 1,95 triệu tỷ đồng, tăng 21,1% so với đầu năm; trong đó huy động vốn tổ chức, dân cư đạt 1,62 triệu tỷ đồng, tăng 8,8% so với đầu năm và chiếm gần 13,6% thị phần tiền gửi toàn ngành ngân hàng.

Trong năm, tổng dư nợ tín dụng và đầu tư của BIDV đạt 1,96 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm; trong đó dư nợ tín dụng đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 12,65% so với đầu năm, cao hơn mức thực hiện năm 2021 (11,8%).

Trong khi đó tại nhóm ngân hàng cổ phần, TPBank là ngân hàng đầu tiên công bố lợi nhuận với7.828 tỷ đồng trước thuế, tăng 30% so với năm trước. Tổng thu nhập hoạt động của TPBank đạt trên 15.600 tỷ đồng, tăng hơn 15,5% so với năm 2021. Lãi thuần từ dịch vụ đạt khoảng 2.700 tỷ đồng, tăng gần 75%.

Ngân hàng cho biết việc phục hồi tích cực của các khách hàng được giãn nợ trong thời kỳ dịch bệnh cũng góp phần gia tăng nguồn thu của ngân hàng. Trích lập dự phòng rủi ro cũng thấp hơn các năm trước.

Trong báo cáo phân tích mới đây, Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) đã đưa ra dự báo kết quả kinh doanh của 12 ngân hàng với phần lớn đều ghi nhận tăng trưởng về lợi nhuận trong quý cuối năm như: BIDV, Vietcombank, VietinBank, ACB, VIB, MSB, Sacombank, VPBank, ...

Thêm ngân hàng có kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023

Một trong những tin ngân hàng gây chú ý tuần qua là vấn đề trả cổ tức bằng tiền mặt. Theo đó, ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – Mã: TPB) thông báo chốt danh sách cổ đông vào 17/1/2023 để lấy ý kiến về phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023. Thời gian thực hiện lấy kiến là từ ngày 31/1 – 12/2/2023.

TPBank là ngân hàng mới nhất công bố kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt sau nhiều năm dành nguồn lực củng cổ nền tảng vốn và hỗ trợ khách hàng theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước. Trước đó, VPBank, ACB và VIB cũng dự kiến trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023.

Vừa qua, TPBank cho biết lợi nhuận trước thuế năm 2022 ước đạt 7.828 tỷ đồng, tương đương tăng khoảng 30% so với năm 2021. Mức lợi nhuận này còn đến từ việc gia tăng dịch vụ bảo lãnh và tài trợ thương mại để tăng thu nhập từ phí. Ngoài ra, sự phục hồi tích cực của các khách hàng được giãn nợ trong thời kỳ dịch bệnh cũng góp phần gia tăng nguồn thu của ngân hàng. Trích lập dự phòng rủi ro cũng thấp hơn các năm trước.

Tin ngân hàng BIDV bán đấu giá khoản nợ hơn 400 tỷ của 1 công ty thép

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Hải Phòng (BIDV Hải Phòng) thông báo bán đấu giá lần thứ 13 khoản nợ của Công ty cổ phần thép Việt Nhật (Thép Việt Nhật).

Khoản nợ này có giá trị tính đến ngày 23/5/2022 là hơn 447,3 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là hơn 194,1 tỷ đồng, dư nợ lãi gần 253,2 tỷ đồng. Khoản nợ được bán theo nguyên trạng về dư nợ, tài sản bảo đảm, hồ sơ khoản nợ, tình trạng tranh chấp, chất lượng khoản nợ… và mọi vấn đề, yếu tố khác có liên quan đến khoản nợ tại thời điểm được đưa ra đấu giá.

Tài sản đảm bảo cho khoản vay của Thép Việt Nhật tại BIDV là 2 bất động sản tại Hải Phòng gồm số 159 Bạch Đằng và Nhà máy cán Km9 Quốc lộ 5, Quán Toan, Hồng Bàng.

Ngoài ra, tài sản thế chấp cho khoản vay này còn có máy móc thiết bị phục vụ sản xuất tại Nhà máy cán Km9 Quốc lộ 5 và loạt phương tiện vận tải, xe máy công trình như xe Mercedes E240, Toyota Camry GLI, Toyota Hiace, cần trục bánh lốp tay lái nghịch Kato KR22H, cầu trục bánh lốp Kobelco RK 25.

BIDV đưa ra giá khởi điểm là gần 140,8 tỷ đồng, chưa bằng 1/3 giá trị khoản nợ và thấp hơn 53 tỷ so với số tiền nợ gốc.

Trước đó, BIDV từng nhiều lần tổ chức bán đấu giá khoản nợ này nhưng không thành công. Trong lần đầu tiên thông báo bán đấu giá khoản nợ vào cuối tháng 4/2022, BIDV đưa ra mức giá khởi điểm tương đương giá trị tính đến hết ngày 28/02/2022 là hơn 440 tỷ đồng. Như vậy, sau khoảng 9 tháng, giá khởi điểm khoản nợ đã giảm gần 300 tỷ đồng.

Nhân sự cấp cao của Eximbank từ nhiệm trước ĐHĐCĐ bất thường
Nguồn: Eximbank
Nguồn: Eximbank

Ngày 06/01 vừa qua, Ngân hàng Eximbank thông báo đã nhận được đơn từ nhiệm của thành viên BKS - ông Trịnh Bảo Quốc vì lý do cá nhân.

Ông Trịnh Bảo Quốc vừa được bầu làm Thành viên BKS (không chuyên trách) nhiệm kỳ VII (2020-2025) của Eximbank tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần 2 ngày 15/02/2022.

Sau nhiều lần không thể tổ chức ĐHĐCĐ thì cuộc họp ngày 15/02/2022 đã thống nhất bầu ra được HĐQT và BKS nhiệm kỳ VII (2020-2025) cũng như vị trí Chủ tịch cho Eximbank.

Tuy nhiên, sau khi thoái sạch vốn tại Eximbank, 2 thành viên HĐQT có liên quan đến Thành Công Group cũng có đơn từ nhiệm với lý do cá nhân là bà Lê Hồng Anh và ông Đào Phong Trúc Đại - thành viên HĐQT vừa được bầu trong cuộc họp ngày 15/02/2022.

Cũng chính vì vậy, Eximbank dự kiến triệu tập ĐHĐCĐ bất thường để bầu nhân sự bổ sung vào ngày 16/01/2023.

 

Hoàng Long (t/h)

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục