Nếu những năm trước, chợ được đánh giá là khu vực “hái ra tiền” của “tín dụng đen” (những tổ chức cho vay tiền trái phép, lãi suất cao - PV) thì hiện nay, phần lớn tiểu thương đều nhận ra tác động tiêu cực từ loại hình này.
Tín dụng đen “đè bẹp” tiểu thương
“Hình thức cho vay này, lãi mẹ đẻ lãi con, trả cả đời cũng không hết. Thêm nữa, chủ nợ thường “sở hữu” một đội ngũ đòi nợ rất ghê gớm. Dính vào kiểu cho vay này, bán nhà cũng chưa trả nợ được” - Chị Hoa, một tiểu thương bán mỹ phẩm chợ An Đông chia sẻ.
Là loại hình cho vay tài chính được thực hiện bởi một tổ chức hoặc một nhóm người không thuộc ngân hàng và không được pháp luật Việt Nam thừa nhận, tuy nhiên, bằng cách này hay cách khác, loại hình này vẫn ngang nhiên hoạt động, “thách thức” chính quyền sở tại.
Đơn giản, chỉ với một bản photo chứng minh nhân dân, giấy chủ sở hữu gian hàng hoặc chứng minh thu nhập khoảng trên 4 triệu đồng/tháng cộng thêm một bản sao sổ hộ khẩu (đối với người không có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM) người đi vay dễ dàng tiếp cận nguồn vốn lên đến hàng chục triệu đồng, thậm chí là hàng trăm triệu đồng từ các tổ chức cho thuê tài chính “chui” bên ngoài. Thế nhưng, đằng sau những “chiếc kẹo ngọt” đầy màu sắc hấp dẫn này lại là cạm bẫy đáng sợ mà không phải ai cũng biết.
Qua thời “làm mưa, làm gió”
Tuy nhiên, tình trạng trên chỉ xảy ra vào khoảng thời gian tín dụng đen “mới ra mắt” và việc vay vốn ngân hàng còn vướng nhiều rắc rối. Sau thời gian “làm mưa làm gió”, loại hình cho vay này không còn nhận được sự “ưu ái” như xưa nữa. Hầu hết “cò mồi” hoặc chủ cho vay kiểu tín dụng đen khi tìm đến khách hàng đều bị từ chối và cùng tâm trạng ngán ngẩm ra về.
Chị Hoàng Yến, chủ sạp bán quần áo tại chợ Tân Bình chia sẻ: “Hiện nhiều ngân hàng cho nhân viên trực tiếp đến sạp triển khai chương trình vay vốn ưu đãi hấp dẫn nên việc vay trả góp bên ngoài hoặc vay tín chấp từ các công ty, tổ chức tài chính “chui” không còn hấp dẫn. Thêm nữa, chỉ khi rơi vào cảnh cùng đường, không thể vay được ở đâu mới suy nghĩ đến việc vay tiền từ các tổ chức này vì lãi suất rất cao”.
Có thể nói, tín dụng đen đã tồn tại từ rất lâu, loại hình tín dụng này càng “phô trương sức mạnh” khi công khai thách thức pháp luật, “truyền thông” bằng phương thức trực tiếp hoặc bằng cách in tờ rơi, phát danh thiếp đến tận tay nhiều người. Nhưng dù triển khai dưới hình thức nào, “tín dụng đen” dường như đang thực sự “chết dần, chết mòn”.
“Hình thức cho vay tín dụng dán đầy cột điện hoặc các nơi công cộng không phải của ngân hàng, thực chất là dạng công ty núp bóng dưới hình thức tổ chức tín dụng. Các công ty này cho vay với lãi suất cao hơn lãi suất vay tiêu dùng thực tế, bằng lãi suất cho vay tín chấp và không có tài sản đảm bảo. Người dân cần thận trọng, tỉnh táo khi vay những dạng trên” - anh Cường, chuyên viên tín dụng Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết.
Theo Ngọc Diễm (Người tiêu dùng)