Tín dụng cuối năm sẽ tăng mạnh!

(Kinhdoanhnet) - Càng về cuối năm, nhu cầu vốn tín dụng càng tăng cao. Nhằm phục vụ nhu cầu của khách hàng doanh nghiệp và cá nhân, các ngân hàng đã đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi lãi suất, với mục đích khơi thông dòng chảy tín dụng.

Tín dụng cuối năm sẽ tăng mạnh! - Ảnh 1
Đã có 800.000 tỷ đồng cam kết cho vay được ký, gấp 4 lần cùng kỳ cách đây 2 năm.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng đến ngày 19/8 đạt 8,78%, còn khá xa so với mục tiêu 18 - 20% đặt ra trong năm nay. Tuy nhiên, hoạt động tín dụng sẽ tăng cao trong quý IV khi nhu cầu vay vốn chuẩn bị hàng hóa cho kinh doanh cuối năm của doanh nghiệp (DN) tăng cao.

Thực tế những năm qua cho thấy, hoạt động tín dụng tăng cao trong quý IV. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm 2015 là 9,54%, nhưng đến cuối năm lên tới 18%. Tương tự, tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm 2014 là 5,82% nhưng cả năm đạt 14,39%; năm 2013 tương ứng 8 tháng là 6,44% và cả năm là 12,52%.

Tăng trưởng tín dụng cuối năm không chỉ vì yếu tố mùa vụ mà còn xuất phát từ mong muốn của người cho vay lẫn người đi vay. Về phía ngân hàng, việc tăng tốc tín dụng vào các tháng cuối năm không những giúp các ngân hàng đạt kế hoạch tín dụng đề ra mà còn tăng nhanh thu nhập.

Những năm gần đây, NHNN thường có chính sách giao hạn mức kế hoạch tăng trưởng tín dụng theo từng ngân hàng, do đó, với dư nợ càng cao vào cuối năm thì ngân hàng càng rộng cửa để phát triển cho năm sau. Trong khi đó, phía người vay (các DN và cá nhân) cũng rất cần vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh vào các dịp lễ, Tết.

Ngoài ra, nhu cầu vay vốn tiêu dùng, sửa sang nhà cửa, mua sắm các thiết bị, vật dụng để chuẩn bị cho năm mới trong giai đoạn cuối năm cũng thường tăng cao.

Một lý do khác là với phong tục và tâm lý e ngại vay mượn vào đầu năm cũng sẽ kích thích người có nhu cầu vay vốn chọn vay vào thời điểm cuối năm, thế nên đầu năm cũng trở thành mùa thấp điểm cho vay của các ngân hàng.

Với hạn mức tăng trưởng tín dụng còn đến 10 - 11% trong 4 tháng cuối năm nay, hoạt động cho vay có thể tăng nhanh trong quý IV nhưng e vẫn khó có thể đạt như mong muốn đề ra. Vì mặt bằng lãi suất cho vay dù đã giảm trong thời gian qua, nhưng hiện tại vẫn còn khá cao đối với DN.

Trong khi đó, với lo ngại rủi ro tỷ giá, nhiều DN cũng hạn chế vay ngoại tệ để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Vấn đề nợ xấu đang có xu hướng tiếp tục tăng lên cũng khiến các ngân hàng thắt chặt các điều kiện cho vay và giải ngân, trong khi nhiều DN vẫn đang vướng vào nợ cũ, các tài sản đảm bảo đang bị cầm cố, thế chấp nên khó có thể tiếp cận được những khoản vay mới.

Mùa kinh doanh cao điểm, cùng với nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào cuối năm là thời điểm tốt để các ngân hàng đưa ra các gói tín dụng lãi vay ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng, đồng thời tranh thủ tăng trưởng tín dụng trong quý IV. Việc đưa ra các gói tín dụng ưu đãi lãi suất được xem là nỗ lực tích cực của các ngân hàng trong bối cảnh lãi suất cho vay dự báo khó giảm. 

Tuy nhiên, không phải khách hàng nào cũng được vay vốn lãi suất ưu đãi mà phía ngân hàng luôn kiểm soát chặt chất lượng tín dụng. Trên thực tế, mặc dù các ngân hàng rất muốn thực hiện chủ trương của Chính phủ là giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp, kích cầu tăng trưởng dư nợ tín dụng, kỳ vọng sớm hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ, mục tiêu lợi nhuận của năm, tuy nhiên, tình trạng nợ xấu chưa được xử lý triệt để, lãi suất đầu ra khó điều chỉnh xuống dưới mặt bằng hiện nay… vẫn là rào cản.

Động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động ngày 26/9 của các TCTD được NHNN đánh giá tích cực, kịp thời nhằm triển khai định hướng điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, NHNN, qua đó phấn đấu cắt giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Tuy nhiên, theo nhận định được đưa ra từ các chuyên gia kinh tế, lãi suất giảm chỉ ở một số ngân hàng lớn, năng lực tài chính tốt.

Bên cạnh đó, các nhà băng đang chịu nhiều áp lực từ lạm phát, khả năng thay đổi chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nợ xấu chưa được xử lý triệt để, buộc phải tăng trích lập dự phòng rủi ro nên việc chạy đua tăng trưởng tín dụng cuối năm là khó tránh, song không dễ kích cầu. Các áp lực này càng lớn hơn đối với các ngân hàng yếu kém. Do đó, nếu hạ lãi suất thì các ngân hàng cũng chỉ sẽ giảm cục bộ với một số lĩnh vực ưu tiên (sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu...).

Khánh Ngân - (Theo TNCK, Doanh nhân Sài Gòn)

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục