Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, khả năng tín dụng năm 2014 không đạt chỉ tiêu tăng trưởng là rất cao.
Kinh tế đang khó khăn, đầu tư gặp nhiều rủi ro, cho nên, đa số ngân hàng đang để tiền trong tủ cho chắc chắn, sau này kinh tế hồi phục rồi tính tiếp. Đây cũng là một nguyên nhân khiến tín dụng chỉ tăng 3,52% trong 7 tháng vừa qua.
Nhìn vào số liệu tăng trưởng tín dụng thời điểm này cũng có thể thấy, mục tiêu đặt ra của cả năm ngày càng xa vời. Bởi để đạt mục tiêu này, tín dụng những tháng cuối năm sẽ phải tăng trên dưới 2%/tháng, một con số không tưởng khi từ đầu năm đến nay, tín dụng chỉ tăng trung bình trên 0,5%/tháng. Đây cũng chính là lý do khiến tăng trưởng tín dụng trở thành một trong những vấn đề Chính phủ quan tâm nhất hiện nay.
Trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 7 mới đây, Chính phủ đã “thúc” NHNN điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp mục tiêu đề ra, không để dồn vào thời điểm cuối năm. Thế nhưng, trên thực tế, nguy cơ dồn ứ tín dụng vào cuối năm đang xảy ra, gây áp lực lớn lên lạm phát. Trước đó, Thống đốc NHNN cho rằng, tín dụng tăng thấp những tháng đầu năm là xu hướng thông thường. Theo quy luật, tín dụng sẽ tăng gấp đôi trong những tháng cuối năm. Như vậy, cả năm tín dụng sẽ tăng hơn 10%.
Mặc dù mới đây, NHNN đã chỉ thị các ngân hàng thương mại cổ phần tăng cho vay tín chấp, song các ngân hàng vẫn e dè thực hiện vì lo ngại nợ xấu.
Nợ xấu là nguyên nhân chính dẫn tới tín dụng tăng chậm
Tín dụng dồn ứ cuối năm
Nguy cơ dồn ứ tín dụng cuối năm rất dễ xảy ra, khi mà 5 tháng đầu năm 2014, tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng 1,31%. Đến 25/6/2014, tín dụng đạt 2,3%. Thế nhưng, khi NHNN tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, con số tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đã vọt lên 3,52%. Có nghĩa là, chỉ trong vòng 5 ngày cuối tháng 6, tín dụng đã tăng bằng 5 tháng đầu năm.
Nhiều ý kiến cho rằng, ngành ngân hàng đang “làm xiếc” số liệu. Tuy vậy, cũng có chuyên gia cho rằng, con số này là đúng, bởi đó chính là thời điểm mà hàng loạt ngân hàng giải ngân cho các dự án “khủng” của EVN, Vietnam Airlines, Petrolimex, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam…
Từ đầu năm đến nay, đa phần ngân hàng đang sống dựa vào trái phiếu chính phủ, các dự án đầu tư công và các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Hầu hết trái phiếu cũng như tín phiếu Chính phủ đều được các ngân hàng mua lại. Gần 200 nghìn tỷ đồng trái phiếu Kho bạc đã phát hành và các ngân hàng tiếp tục là nhà đầu tư chính.
Hàng loạt ngân hàng đã xin được cấp tín dụng vượt hạn mức vốn tự có của mình với một số tổng công ty, DNNN. Cụ thể, mới đây, SeABank đã được Chính phủ chấp thuận về việc cấp tín dụng vượt giới hạn vốn tự có với Vietnam Airlines. Trước đó, Vietinbank cũng đã được chấp thuận cho vay vượt 25% vốn tự có đối với PVOil, VPGas, PVCFC. Vietcombank được cho vay vượt quá hạn mức 25% vốn tự có với một số công ty thuộc họ dầu khí. Eximbank được cho vay vượt hạn mức để Vietnam Airline mua thêm máy bay…
Như vậy, luồng tín dụng đang đổ vào khu vực đầu tư công, trái phiếu chính phủ và DNNN. Trong khi đó, khu vực kinh tế tư nhân, vốn là động lực tăng trưởng của quốc gia, lại luôn trong tình trạng khan hiếm và không thể tiếp cận nguồn vốn.
Ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng khẳng định, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn vô cùng bế tắc trong tiếp cận vốn ngân hàng và không có nhiều kỳ vọng thay đổi trong những tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, lượng lớn tiền ngân hàng đầu tư vào trái phiếu đang trong tình trạng ứ đọng chưa thể giải ngân. Điều này được chứng minh bằng 94.000 tỷ VND hiện vẫn đang nằm im chưa được giải ngân trong kho bạc.
Từ nay đến cuối năm, trong điều kiện lạm phát giảm, NHNN sẽ hạ thêm lãi suất điều hành. Tuy nhiên, trong tình hình sức khỏe doanh nghiệp và nợ xấu ngân hàng hiện nay, dù có hạ lãi suất thì tăng trưởng tín dụng vẫn là bài toán khó giải của cả nền kinh tế.
Theo giới chuyên môn, để giải quyết vấn đề tăng trưởng tín dụng thì phải đi từ tháo gỡ nút thắt là xử lý nợ xấu. Đáng tiếc là đến nay vấn đề nổi cộm này được đặt ra từ lâu nhưng việc xử lý rất chậm.
Quốc Hưng (Tổng hợp)